Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm những căng thẳng mới

Trung Hiếu| 04/08/2012 07:22

(HNM) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran tiếp tục lún sâu vào bế tắc khi ngày 1-8, với 421 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.


Ngành công nghiệp dầu khí của Iran tiếp tục là mục tiêu hứng chịu các trừng phạt mới của Mỹ.

Trước đó, với lập luận Tehran "sẽ phải hứng chịu hậu quả ngày càng lớn" do từ chối hợp tác về chương trình hạt nhân, ngày 31-7, chính quyền Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt với ngành công nghiệp năng lượng và hóa dầu của Iran nhằm ngăn chặn các cơ chế nhận tiền của Iran từ các hợp đồng xuất khẩu dầu mà Mỹ và phương Tây áp đặt lệnh cấm từ ngày 1-7 vừa qua; các ngân hàng tiếp tục có những hoạt động giao dịch với các ngân hàng của Iran sau lệnh cấm sẽ nằm trong diện bị trừng phạt...

Hành động cứng rắn trên cả hai phương diện kinh tế và ngoại giao, Washington muốn siết chặt, làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Sự tác động mạnh về kinh tế sau lệnh cấm vận mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Iran. Liên tục trong một thời gian ngắn, các đòn trừng phạt liên tiếp và đa dạng với hầu hết các lĩnh vực khác nhau từ tài chính đến ngân hàng và xuất khẩu dầu… nhằm vào Iran cho thấy một cách tiếp cận khác của Washington trước vấn đề hạt nhân của Iran. Trong khi đó, cả hai phía đều đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ về quân sự. Trong bối cảnh phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang ráo riết tăng áp lực quân sự lên khu vực Trung Cận Đông mà trọng tâm là Eo biển chiến lược Hormuz thì Iran cũng mở nhiều cuộc tập trận quy mô lớn và đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển tới 17 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Căng thẳng tiếp tục leo thang hoàn toàn không có lợi cho Mỹ và các cường quốc phương Tây, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Hơn ai hết những "người trong cuộc" đều hiểu rõ điều đó. Tại cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao Israel, trong khuôn khổ chuyến công du tới một số quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi, ngày 1-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhắc lại quan điểm của Washington về một "nỗ lực tối đa" để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trước khi cân nhắc giải pháp đối đầu quân sự với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, Tehran chưa có bất kỳ dấu hiệu "lùi bước" nào. Trong một cuộc họp mới nhất với lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức cấp cao trong Chính phủ, Tổng thống M. Ahmadinejad cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân bằng cách kích hoạt thêm hàng trăm máy ly tâm làm giàu urani. Trước đó, trợ lý của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, ông Reza Taghavi khẳng định, Tehran đã sẵn sàng nâng mức độ làm giàu uranium đến 56% nếu các cường quốc tiếp tục gây áp lực với chương trình hạt nhân của Tehran. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran R. Mehmanparast tuyên bố, Nhóm P5+1 cần công nhận quyền hạt nhân của Iran... Tất cả những tín hiệu phát đi đều khẳng định Tehran không lùi bước trong tham vọng phát triển năng lượng hạt nhân bất chấp những áp lực đang ngày một tăng của Mỹ và các cường quốc phương Tây. Và cuộc đối đầu chủ quyền "hạt nhân" đã và đang đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran lún sâu vào bế tắc.

Căng thẳng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đã leo thang nhanh chóng kể từ cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran tại Mátxcơva (Nga) vào tháng 6 vừa qua kết thúc mà không đạt bước đột phá nào. Trong một động thái mới, ngày 2-8, kết thúc cuộc điện đàm với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili, Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton cho biết, hai bên đã nhất trí nối lại đối thoại với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran vào cuối tháng 8 này. Hy vọng mới vừa le lói xuất hiện. Tuy nhiên, bước ngoại giao tích cực vào thời điểm này dường như là vô vọng khi hai bên đều đang thể hiện sức mạnh hòng giành lợi thế trước đàm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm những căng thẳng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.