Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm nhiều ưu đãi cho người nộp thuế

Hương Ly| 17/09/2013 06:45

(HNM) - Từ ngày 1-10 tới đây, Thông tư số 111/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân chính thức có hiệu lực.



Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, thông tư mới có nhiều sửa đổi theo hướng có lợi cho người nộp thuế (NNT). Đặc biệt, hai khoản thu nhập từ lương hưu nhận từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và lương hưu nhận hằng tháng từ Quỹ Hưu trí tự nguyện sẽ được miễn thuế TNCN.

Thời gian tới, sẽ có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN. Ảnh: Thanh Hải


- Thông tư 111 có hiệu lực sẽ có nhiều điểm sửa đổi có lợi cho cá nhân nộp thuế TNCN, xin bà cho biết rõ hơn về điều này?

- Thông tư 111 đã làm rõ thêm những khoản chịu thuế TNCN như bảo hiểm nhân thọ, các khoản không bắt buộc khác mà người sử dụng lao động trả cho cá nhân để cộng vào khoản chịu thuế TNCN. Đối với các khoản thu nhập không chịu thuế, thông tư mới quy định rõ những khoản được khấu trừ khi tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Cụ thể, nếu như trước đây, khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho thân nhân của NNT chữa bệnh hiểm nghèo chỉ cho phép được tính giảm trừ cho bố đẻ, mẹ đẻ và con. Thông tư 111 mở rộng đối tượng được hưởng bao gồm cả bố, mẹ của chồng, vợ; bố dượng, mẹ kế, con nuôi, con ngoài giá thú. Tiền mua vé máy bay về phép thăm nhà, tiền học phí cho con… do người sử dụng lao động chi trả hộ, trước đây không được tính vào thu nhập chịu thuế của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nay theo quy định mới, tiền vé máy bay về thăm thân nhân, tiền học cho con mà DN chi trả cho cán bộ Việt Nam làm việc ở nước ngoài và có con học ở nước ngoài không phải chịu thuế TNCN.

Những quy định về thu nhập miễn thuế cũng có thay đổi có lợi cho NNT đồng thời chống thất thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản vẫn cho phép áp dụng miễn thuế đối với trường hợp có nhà ở duy nhất, nhưng để tránh trường hợp NNT lợi dụng để buôn bán bất động sản, Thông tư 111 quy định chỉ miễn thuế với trường hợp phải có thời gian sở hữu ít nhất 183 ngày trở lên tính đến khi chuyển nhượng. Đặc biệt, Luật Thuế TNCN trước đây chỉ miễn thuế đối với khoản lương hưu nhận từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, thì nay lương hưu được nhận hằng tháng từ Quỹ Hưu trí tự nguyện cũng được miễn.

- Bà có thể cho biết rõ hơn về cách tính thuế TNCN với hộ kinh doanh và thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán khi Thông tư 111 có hiệu lực?

- Với các hộ kinh doanh cá thể, do khó xác định chính xác doanh thu và chi phí nên theo Thông tư 111 sẽ áp dụng cơ chế ấn định tỷ lệ thu nhập chịu thuế TNCN trên doanh thu. Theo hướng dẫn trước đây, có 19 nhóm chịu thuế theo cách tính này và mỗi nhóm có khung thuế riêng. Trong 19 nhóm lại chia ra làm 5 khu vực như đô thị lớn, vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa... với tỷ lệ ấn định thuế cao nhất là 38%. Để đơn giản hóa cách tính, Thông tư 111 chỉ quy định 5 nhóm thuế suất và mức thuế suất cao nhất là 30%.
Về thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, trước đây, nếu muốn áp dụng nộp thuế TNCN với mức 20%/thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, NNT phải đăng ký với cơ quan thuế muộn nhất vào ngày 30-12 của năm trước. Nay theo quy định mới, cá nhân không cần đăng ký trước mà có thể tự tính toán. Nếu thấy tạm nộp 0,1% bị lỗ sẽ làm thủ tục quyết toán thuế năm theo mức thuế suất 20% để được hoàn thuế. Để nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 20%, cá nhân phải đăng ký thuế, có mã số thuế TNCN và giữ giấy tờ về giá chuyển nhượng, vốn, hoa hồng lưu ký trong năm để tính lãi, lỗ.

- Thông tư 111 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân nộp thuế TNCN, vậy quy định mới sẽ có tác động như thế nào đến các tổ chức chi trả thu nhập?

- Các quy định về khấu trừ, kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế TNCN trong Thông tư 111 đều được thay đổi theo hướng rõ ràng, tạo thuận lợi hơn cho NNT và cơ quan chi trả thu nhập. Theo quy định mới, các tổ chức chi trả thu nhập và DN khi khấu trừ tiền lương, tiền công, đối với lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên vẫn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động vẫn được làm thủ tục đăng ký để giảm trừ gia cảnh. Trường hợp chỉ có thu nhập ở một nơi duy nhất mà NNT đã tính giảm trừ cho mình và người phụ thuộc, nhưng chưa đến mức nộp thuế thì NNT làm cam kết theo quy định của Luật Quản lý thuế, cơ quan chi trả sẽ không khấu trừ thuế 10%.

Thông tư mới quy định, 100% cơ quan chi trả thu nhập đều phải quyết toán thuế. Song việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân NNT từ 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) nâng lên mức 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng sẽ giúp trên 2 triệu người đang nộp thuế TNCN từ tiền lương tiền công tại DN và các tổ chức chi trả thu nhập trên cả nước không thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN.

- Để hiểu các quy định mới tại Thông tư 111 là điều không dễ dàng với nhiều người thuộc diện chịu thuế TNCN. NNT nên làm gì để không bị thiệt thòi khi luật thuế sửa đổi có hiệu lực?

- Để đọc, hiểu các quy định về thuế TNCN là vấn đề khó không chỉ đối với NNT mà ngay cả đối với cán bộ thuế. Khi cần NNT có thể tìm đến sự hỗ trợ, tư vấn của đại lý thuế, các tổ chức tư vấn thuế hay bộ phận hỗ trợ, tuyên truyền của cơ quan thuế. Về phía cơ quan thuế, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn thuế để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn của NNT phát sinh trong thực tế, nhất là trong thời gian khai quyết toán thuế TNCN hằng năm.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nhiều ưu đãi cho người nộp thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.