Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm nhiều quyền lợi cho người lao động

Bảo Nga| 09/01/2021 06:22

(HNM) - Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 với rất nhiều điểm mới quy định về tiền lương, tiền thưởng cho người lao động. Cụ thể, người lao động được nhận tiền đền bù theo lãi suất ngân hàng khi bị chậm trả lương; được nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn; được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương… Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến cho rằng, những quy định mới này tăng thêm quyền lợi cho người lao động.

Người lao động có thêm nhiều quyền lợi khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội:
Bổ sung nhiều trường hợp được nghỉ việc riêng

Theo quy định mới, người lao động được bổ sung nhiều trường hợp được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương như: Được nghỉ 3 ngày nếu kết hôn; khi con đẻ hoặc con nuôi kết hôn được nghỉ 1 ngày; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi chết được nghỉ 3 ngày;… Đây là những điểm mới được đánh giá tăng thêm quyền lợi cho người lao động, đưa mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động bình đẳng hơn. Trong giai đoạn hiện nay, khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động nặng nề lên đời sống xã hội và "sức khỏe" doanh nghiệp, việc bảo đảm duy trì thu nhập cho người lao động và thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải hướng dẫn, tạo điều kiện và có cơ chế giám sát chặt chẽ để các chủ doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bộ luật Lao động… nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai:
Mong muốn lớn nhất của người lao động là tiền lương được bảo đảm

Bộ luật Lao động 2019 có nhiều điểm mới về chế độ lương, thưởng đối với người lao động. Trong đó, đáng chú ý là quy định người lao động được nghỉ 2 ngày vào dịp Quốc khánh 2-9 và được hưởng nguyên lương trong khi quy định cũ chỉ cho nghỉ 1 ngày. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong một số trường hợp khách quan, không do lỗi của người lao động như: Gặp sự cố về điện, nước; thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, di dời địa điểm hoạt động vì lý do kinh tế hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Tuy nhiên, với bất cứ người lao động nào, mong muốn cuối cùng cũng là tiền lương được bảo đảm để duy trì cuộc sống. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến thu nhập của người lao động cũng bị giảm theo. Do đó, bài toán quan trọng nhất vẫn là làm gì để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiêm túc quy định về chi trả lương, tăng lương…

Bà Nguyễn Thu Hương, Công ty cổ phần Đầu tư PV-Green, phường Quảng An (quận Tây Hồ):
Quan tâm hơn đến đời sống tinh thần và sức khỏe của lao động nữ

Quy định hiện hành đã bổ sung nhiều điểm mới, quan tâm hơn đến đời sống tinh thần và sức khỏe của lao động nữ. Tại Khoản 2, Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cho phép lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con thì khi mang thai được quyền thông báo với người sử dụng lao động để được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc mỗi ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Còn tại Điểm b, Khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn. Đây là quy định quan trọng buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng quy định về thời gian trả lương nếu muốn giữ chân người lao động.

Ông Phạm Đức Hải, đảng viên Chi bộ số 17, phường Thượng Thanh (quận Long Biên):
Nhiều quy định cụ thể và phù hợp tình hình thực tế

Theo tôi, Bộ luật Lao động 2019 đã chú ý đến nhiều vấn đề tưởng chừng như rất “nhỏ” trong vấn đề lương, thưởng của người lao động. Ví dụ như quy định người sử dụng lao động không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của đơn vị mình hoặc đơn vị khác. Hay quy định về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho người lao động. Thực tế, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều doanh nghiệp chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động bằng sản phẩm. Thậm chí, có doanh nghiệp còn chi thưởng Tết bằng các phiếu mua hàng tại hệ thống siêu thị của chính doanh nghiệp mình. Việc làm này chẳng khác nào ép buộc người lao động phải sử dụng tiền của chính mình vào mục đích hay cách thức mà họ không mong muốn. Do đó, những quy định nêu trên là rất cụ thể và phù hợp tình hình thực tế nhằm bảo vệ người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nhiều quyền lợi cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.