(HNM) - Nguyễn Quỳnh Trang, sinh năm 1981, còn trẻ nhưng đã kịp
"Đi về không điểm đến"- tên của tập sách được lấy từ bài viết về nhà thơ Hoàng Việt Hằng, có lẽ cũng mang tâm trạng chung về một hành trình như không có điểm dừng của người cầm bút.
Tập ký chân dung tập hợp phần lớn những bài báo của Quỳnh Trang đã đăng trên chuyên mục "Sách và Người" của Báo Thể thao và Văn hóa, không nằm ngoài xu hướng tập hợp các bài viết về chân dung văn nghệ sĩ để ra sách của một số nhà báo, nhà văn, như nhà văn Di Li ra "Chuyện làng văn" gần đây. Cách làm này ý nghĩa với người viết đã đành, nó còn là cách "quy về một mối" suy ngẫm, nét khắc họa chân dung các nhà văn mà báo chí, với đặc tính "chạy theo thời sự", khó có thể thực hiện một cách tập trung trong khoảng thời gian ngắn. Thêm nữa, nó cũng giúp bạn đọc cơ hội cùng lúc tiếp cận nhiều chân dung văn học, tạo liên tưởng, so sánh và dễ khái quát diện mạo văn chương.
"Đi về không điểm đến", nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì "không phải là sách phê bình văn học". "Cô gái viết văn này chỉ phác họa ấn tượng khi gặp các nhà văn và đọc văn của họ theo cách rất đàn bà của mình". Phải nói rằng đây là điểm căn bản nhất trong bút ký chân dung văn học của Nguyễn Quỳnh Trang. Qua đây, nhà văn, ngay cả những gương mặt nổi tiếng, có phần xa xôi với công chúng nói chung cũng được kéo gần lại. Như Nguyễn Huy Thiệp là thế này: "Ông đứng một mình nơi góc phòng. Không nói. Không cười. Đầu gắm. Vai nhô. Chẳng còn những cái bắt tay chào hỏi, những ly rượu cụng chúc mừng, những câu hoan hỉ của người từng hâm mộ…". Hay là nhà văn Thuận với những dòng hồi ức về việc học văn: "Ngày đó tôi học toán khá, nhưng văn thì rất dốt mặc dù 8 tuổi đã rất thích đọc sách. Tôi nhớ hồi đó đã đọc "Chiến tranh và hòa bình", "Thằng ngốc"… thế nhưng tôi không thích học văn trong trường phổ thông một chút nào. Vì thế điểm văn của tôi rất tệ". Thú vị và sinh động nhất là chuyện lão dịch giả Dương Tường, U90 mà vẫn trẻ trung, đánh bạn với 8X, chơi là hết mình: Ra biển với chiếc quần đùi sặc sỡ, dám đi dù bay, bốc lên giời hơn 50 mét, dưới là biển xanh ngắt, trên phần phật gió… Đó không chỉ là cá tính nhà văn, mà còn là lối ứng xử của người đi trước với lớp trẻ. Và, tất cả sự bay nhảy, ham chơi đó của Dương Tường đột ngột dừng trước một câu kết, cũng là câu mở ra cho bạn đọc những nghĩ suy về nhân vật: "Đằng sau cái bề ngoài chừng như nhởn nhơ đó, là một quá khứ không ít trầm luân đau đớn"… Nói những chuyện đời thường, nhưng không phải là tập bút ký này không có những nhận định có tính chất phê bình đối với tác phẩm và tác giả. Điều đó, về cơ bản được thể hiện dưới dạng cảm nhận, chia sẻ.
Trong tập bút ký này, có những chân dung viết rất sâu, rất dày dặn, với nhiều lần lật đi lật lại vấn đề như Nguyễn Huy Thiệp, Thuận và Nguyễn Thế Hoàng Linh… Nhưng cũng có những chân dung được cảm ở một góc độ nào đó, rất nhanh, rất gọn. Tất nhiên, viết ngắn mà lột tả được chân dung là rất khó. Đôi khi có cảm giác tiếc nuối, ước Quỳnh Trang dừng lại kỹ hơn ở một vài gương mặt nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.