Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một cuốn sách làng

Giang Quân| 22/11/2010 07:49

(HNM) - Trong số những người nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội, có lẽ Trần Văn Mỹ thiên về đi sâu thâm canh vào một vùng đất. Sau "Làng cổ Mai Động" (2003), "Làng Hội Xuyên" (2006), "Làng Đại Lan" (2010), anh lại vừa cho xuất bản cuốn "Làng Kim Lan xưa và nay" (NXB Văn hóa - Thông tin).

Cuốn sách mang tính địa chí - phong tục này dày tới 444 trang, với 16 trang phụ bản ảnh màu và tất cả các văn bản Hán Nôm đều có in nguyên văn, chứng tỏ sự biên khảo công phu và nghiêm túc của một cây bút có nghề.

Kim Lan là một làng cổ thuộc huyện Gia Lâm nằm bên tả ngạn con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội. Vốn là đất giàu truyền thống văn hóa, xưa thuộc trấn Kinh Bắc, Kim Lan có cuộc sống con người thuần khiết, đồng thời lại là làng khoa bảng nổi tiếng.

Vào thế kỷ XV, Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là Thuận Thành) đạo Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn, do kiêng tên húy của chúa Nguyễn Phúc Lan, Kim Lan phải đổi là Kim Quan, tổng Đông Dư, phủ Thuận Thành. Năm 1948 sáp nhập 3 xã Kim Quan, Bát Tràng và Giang Cao thành xã Quang Minh. Năm 1958, đào sông Bắc Hưng Hải, làng Kim Quang bật sang bên bờ nam sông đào nên được tách khỏi xã Quang Minh lập thành xã riêng và lấy lại tên cũ là Kim Lan. Năm 1961, trong lần mở rộng thủ đô đầu tiên, huyện Gia Lâm nhập về Hà Nội. Kim Lan từ đó thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Kim Lan nằm trong vùng đất rất cổ, phía Bắc là làng Xuân Quan có đền thờ Triệu Đà (207 trước CN), phía Nam là làng Chử Xá quê hương Chử Đồng Tử (cuối thời Hùng Vương). Xưa làng ở cạnh sông Hồng sau dòng chảy chuyển ra xa, làng mới lọt vào trong đê. Vị khai khoa của làng là Nguyễn Thạch Việt đỗ tam giáo thời Lý (tương đương tiến sĩ), Vũ Lãm, Đinh Nguyên Hanh hai tiến sĩ thời Lê và còn 48 vị là giám sinh, hương cống, sinh đồ…

Trong một cuộc khai quật khảo cổ (2000 - 2005) ở Kim Lan đã tìm thấy hàng nghìn di vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVII, trong đó có đĩa men hoa lan, tháp nung, lá đề trang trí và cả gạch Giang Tây Quân như tìm thấy ở Hoa Lư và trong Hoàng thành Thăng Long. Làng còn giữ được bản Ngọc phả lục cho biết vào thế kỷ thứ IX, Cao Biền đem quân diệt quân Nam Chiếu có đi qua làng đã lập doanh trại ở đây và dạy dân làm nghề gốm sứ, sau được thờ làm thành hoàng.

Như vậy là nghề gốm sứ ở đây có trước Bát Tràng hơn 5 thế kỷ mở ra nhiều thông tin lý thú, phản ánh các dấu tích sản xuất nghề thủ công ở đây.

Sách Làng Kim Lan gồm 6 phần: Đất và người, Nghề nghiệp và phong tục tập quán, Di tích văn hóa, học hành và khoa cử, Lễ hội làng Kim Lan, Văn tế làng Kim Lan và phần phụ lục bao gồm bản sao thần tích, sắc phong, các bài viết về Kim Lan, về kết quả thám sát và khai quật khảo cổ học.

Qua cuốn sách viết về một làng, người đọc hiểu thêm văn hóa một vùng đất, về một nghề thủ công truyền thống cũng như phong tục tập quán của làng trước Cách mạng Tháng Tám 1945 với ba giai đoạn chính: Thời Bắc thuộc (thế kỷ VIII-X), thời Trần và thời Lê - Nguyễn.

Bằng văn phong trong sáng, tác giả đã dẫn người đọc đến với con người Kim Lan và những di tích văn hóa, di chỉ khảo cổ học. Thú vị nhất là được đọc những câu đối, hoành phi, văn tế Hán Nôm bằng nguyên chữ cùng với bản dịch khá chính xác của các nhà nghiên cứu Viện Hán Nôm, những thi phẩm của các tiến sĩ người làng.

Văn hóa Kim Lan đã góp vào nghìn năm văn hiến Thăng Long một cách tích cực. Những cuốn sách làng sẽ làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của từng huyện ngoại thành và của Thủ đô ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một cuốn sách làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.