Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một biểu tượng hấp dẫn của Thủ đô

An Nhi| 04/06/2020 06:56

(HNM) - Hôm qua (3-6), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế cột mốc Km 0 thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ về nghiên cứu, phát triển dự án xây dựng cột mốc Km 0 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, tạo thêm một biểu tượng hấp dẫn của Thủ đô và đất nước.

Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay là một trong 3 địa điểm được đề xuất xây dựng cột mốc Km 0. Ảnh: Thụy Du

Điểm đến du lịch độc đáo

Tại nhiều nước trên thế giới, cột mốc Km 0 không chỉ là cơ sở để thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của thành phố, quốc gia mà còn là điểm đến có tính biểu tượng cao. Từ năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã phát động nghiên cứu phương án xây dựng công trình cột mốc Km 0 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế tốt nhất, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định mở rộng cuộc thi, khuyến khích những sáng tạo đặc sắc hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Hà Nội là trái tim của cả nước và hồ Hoàn Kiếm là trái tim của Thủ đô. Theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, công trình cột mốc Km 0 phải được đặt ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là một hạng mục quan trọng, biểu tượng văn hóa, điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch độc đáo của Thủ đô và đất nước.

Việc xây dựng cột mốc Km 0 vừa góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch. Bày tỏ đồng tình với việc thúc đẩy xây dựng một biểu tượng mới tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho rằng, không gian hồ Hoàn Kiếm là một không gian văn hóa, lịch sử nhưng cũng là không gian mở cho sáng tạo. Việc xây dựng cột mốc Km 0 xứng tầm, hài hòa với không gian nơi đây sẽ thực sự biến Hà Nội thành thành phố sáng tạo.

Giám đốc Công ty Vietindo Travel Thái Thanh Lan cho biết, du khách luôn muốn đến địa điểm mang tính biểu tượng. Cột mốc Km 0 ở khu vực hồ Hoàn Kiếm chắc chắn sẽ tạo hứng thú, trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan Thủ đô của du khách.

Vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc Thăng Long

Theo dự kiến của UBND quận Hoàn Kiếm, cột mốc Km 0 có thể được đặt ở một trong 3 vị trí: Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, là vị trí đang đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ; phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện Tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước Tượng đài Lý Thái Tổ. Vì vậy, Ban tổ chức khuyến khích các tổ chức nghề nghiệp, nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên chuyên ngành văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc tham gia sáng tạo tại một trong 3 địa điểm này. Thiết kế phải thể hiện được chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Về mặt mỹ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, công trình cột mốc Km 0 nằm trong khu vực hồ Hoàn Kiếm - một không gian linh thiêng của Hà Nội, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật công cộng nên phải mang nét văn hóa, lịch sử của Hà Nội, có tính thẩm mỹ, tạo ấn tượng thị giác với công chúng.

Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý, tuy là thiết kế mở, không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng, có thể chìm, nổi, hoặc trên không trung, nhưng cơ bản công trình cột mốc Km 0 phải hài hòa với không gian cảnh quan xung quanh và phù hợp với dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Kiến trúc sư Emmanuel Cerise (Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris - Pháp tại Việt Nam), giám khảo cuộc thi gợi mở, các nhà thiết kế có thể sáng tạo công trình cột mốc Km 0 theo phong cách hiện đại, mới mẻ để đánh dấu khởi đầu nghìn năm tiếp theo của Hà Nội.

Cùng học trò tìm hiểu và dự định tham gia cuộc thi này, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Trần Quốc Việt cho rằng, để sáng tạo được công trình gắn kết quá khứ với tương lai, mang tính văn hóa, lịch sử, thời đại thì người thiết kế phải có nền tảng kiến thức và bề dày kinh nghiệm, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác.

Các tổ chức, cá nhân có chuyên môn và tâm huyết thỏa sức sáng tạo công trình này từ nay đến hết ngày 6-7-2020. Dự kiến triển lãm, trao giải công trình cột mốc Km 0 diễn ra vào ngày 15-7-2020, tại Hà Nội. Như vậy, cùng với hy vọng tạo thêm một biểu tượng ý nghĩa, hấp dẫn cho Thủ đô, thì đây còn là dịp để thu hút sự quan tâm của giới nghề, lan tỏa tình yêu với Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một biểu tượng hấp dẫn của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.