Ngoài 2 dự án được Ngân hàng Thế giới cho là có tham nhũng, Louis Berger còn thiết kế Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa quyết định không cho phép Công ty Louis Berger Group (LBG, Mỹ) tham gia vào các hợp đồng sử dụng vốn của mình, do có liên quan đến hành vi tham nhũng trong 2 dự án tại Việt Nam. Thời hạn "cấm cửa" kéo dài một năm, đồng thời công ty mẹ của LBG cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án World Bank.
Cầu Rồng là một trong các dự án tại Việt Nam có sự tham gia của Louis Berger. Ảnh: Nguyễn Đông |
Louis Berger là công ty phát triển và cơ sở hạ tầng toàn cầu, thành lập năm 1953 tại Mỹ, gồm 3 đơn vị - Louis Berger Group, Louis Berger International và Louis Berger Services. Hãng hiện có gần 6.000 kỹ sư, kiến trúc sư, nhà khoa học, kinh tế học tại hơn 100 văn phòng tại 57 quốc gia trên thế giới.
Louis Berger Group và Louis Berger International cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc, xây dựng, quản trị dự án, lập kế hoạch môi trường và phát triển kinh tế - khoa học. Còn Louis Berger Services tập trung vào các dự án dạng chìa khóa trao tay (turnkey) trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ mặt đất, bảo dưỡng và logistics.
Các dự án của Louis Berger Group tập trung chủ yếu tại Mỹ. Hãng từng phục vụ nhiều khách hàng lớn, trong đó có các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Thương mại Mỹ, cùng nhiều tổ chức như World Bank hay ADB. Giữa tuần qua, họ cũng nhận được gói thầu công trình giao thông trị giá 100 triệu USD từ thành phố Medina (Ảrập Xêút).
Louis Berger từng nhận nhiều giải thưởng từ tạp chí công trình Engineering News-Record và Hội đồng các Công ty Kỹ thuật Mỹ (ACEC) - được ví như giải Oscar của ngành kỹ thuật.
Tại Việt Nam, hãng có văn phòng tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) và từng đặt văn phòng tại Hà Nội. Ngoài 2 dự án được World Bank nêu tên có sai phạm, là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng, hãng còn có 3 dự án khác là Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Hầm Hải Vân có tổng vốn đầu tư 133 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), khai trương tháng 6/2005. |
Với dự án Cầu Rồng, Louis Berger và Ammann & Whitney tham gia với vai trò thiết kế. Công trình này sau đó đã được trao giải thưởng lớn (Grand Award) trong lễ trao Giải thưởng kỹ thuật xuất sắc Engineering Exellence Award (EEA) do ACEC tổ chức năm ngoái.
Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Rồng là 1.498 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với thời gian thực hiện từ năm 2009-2012. Tháng 3/2013, cầu được đưa vào khai thác.Tại Hầm đường bộ Hải Vân, Louis Berger International liên danh với hãng Nippon Koei của Nhật Bản và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải - TEDI của Việt Nam làm tư vấn quản lý dự án. 5 hạng mục công việc của liên danh tư vấn gồm khảo sát đặc biệt, thiết kế chi tiết, hỗ trợ đấu thầu, giám sát thi công, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Louis Berger giám sát xây dựng tại chỗ cho 4 trong 7 gói thầu. Trong đó có gói thầu phía nam với đường hầm chính, đường hầm thoát hiểm và các gói thầu liên quan đến cơ khí, hệ thống điện. Louis Berger còn cung cấp bản thiết kế về khả năng mở rộng đường hầm trong tương lai. Theo hãng, dự án Hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành đúng hạn với chi phí trong ngân sách được cấp.
Louis Berger còn tham gia vào Dự án Lưu vực Sông Hồng II, được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chọn hãng này làm cơ quan giám sát hệ thống cải tạo tưới tiêu, chống lũ, thoát nước và bảo vệ lưu vực sông. Bên cạnh đó, họ còn tham gia đào tạo kỹ sư Việt Nam về công nghệ hiện đại; soạn thảo tài liệu về sử dụng nước, tưới tiêu và thoát nước; làm việc với các viện nghiên cứu về cơ hội cải thiện khả năng quản trị lưu vực sông; đồng thời giúp các hợp tác xã xây dựng hệ thống kênh mương, bơm nước, cầu cạn.
Tháng 10/2010, Louis Berger Group từng phải nộp phạt 69,3 triệu USD do bị cáo buộc trình lên Chính phủ hóa đơn có những chi phí không liên quan đến các dự án tái thiết tại Afghanistan. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất khi đó mà một nhà thầu trong khu vực chiến sự phải trả cho Chính phủ Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.