Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm động lực cho trẻ em khó khăn

Hà Hiền| 07/06/2022 06:24

(HNM) - Ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan đến trẻ em, thành phố Hà Nội còn huy động nhiều nguồn lực để động viên, hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Sự quan tâm đó góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin cho các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Đại diện cơ quan chức năng tặng quà cho em D.T.H, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai).

Trao tặng nguồn lực

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Cùng với đó, chuẩn nghèo đa chiều của thành phố tăng, dẫn đến số người thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo cũng tăng lên, trong đó có trẻ em.

“Hà Nội hiện có hơn 1,9 triệu trẻ em, trong đó còn hơn 14.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 39.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, các em không đơn độc mà luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng”, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung nhấn mạnh.

Với trẻ em khó khăn sống ngoài cộng đồng, cơ quan chức năng trợ giúp bằng nhiều hình thức. Một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không may mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật. Học sinh thiếu phương tiện đi lại được tặng xe đạp và trẻ em sống trong cảnh nghèo được hỗ trợ kinh phí học tập, tặng học bổng...

Em D.T.H, sinh năm 2008 (ở xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai) kể, gia đình em thuộc diện hộ nghèo do bố không may bị bệnh, hưởng trợ cấp xã hội, một mình mẹ lo toan, gánh vác việc gia đình. Chứng kiến nỗi nhọc nhằn của mẹ, H. luôn nỗ lực học tập, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi và nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ. Trong quá trình học tập, H. thường xuyên được ưu tiên, hỗ trợ về kinh phí học tập, gần đây nhất là phần quà của các nhà hảo tâm trị giá 3,5 triệu đồng tặng cho em thông qua Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Còn chị Nguyễn Thị Vịnh (xã Liên Trung, huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Tôi không may mắc bệnh hiểm nghèo, tiêu tốn nhiều tiền điều trị, khiến gia đình gặp khó khăn. Nhờ sự quan tâm của xã hội, các con tôi vẫn được đến trường học tập, vui chơi như bạn bè”.

Các cháu mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng, đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm về nhiều mặt. Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) Phan Văn Thái cho hay, đơn vị thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy văn hóa cho hơn 100 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng. Sống tại đây, trẻ em được chăm sóc toàn diện, tạo điều kiện tốt nhất để vươn lên...  

Củng cố niềm tin

Trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng cần được trang bị kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử... Thấu hiểu điều này, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giàu ý nghĩa, nhằm tiếp thêm động lực, củng cố niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chẳng hạn, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thực hiện tư vấn, tham vấn tại cộng đồng cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại nhiều địa phương. Em T.T.A (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Nghe các cô, chú tư vấn, chia sẻ, chúng cháu hiểu ra nhiều điều. Bản thân cháu đã vơi đi nỗi buồn vì hoàn cảnh kém may mắn”.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Minh A (huyện Sóc Sơn) Lương Thu Hương cho hay, nhà trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phòng, chống dụ dỗ bắt cóc và xâm hại trẻ em” trước kỳ nghỉ hè năm 2022. Những kiến thức, kỹ năng hữu ích này giúp học sinh biết cách bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh, nhất là với các em vì hoàn cảnh đặc biệt mà thiếu sự quan tâm thường xuyên của người thân, thiếu phương tiện để tự tìm hiểu kỹ năng sống.

Còn tại quận Hà Đông, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tổ chức nói chuyện chuyên đề “Giáo dục hạnh phúc - Người thầy hạnh phúc thay đổi thế giới” đến 200 người là nhà quản lý, tổng phụ trách các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Đó là những người nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh, nên họ biết cách tạo môi trường giáo dục hạnh phúc, thân thiện, giúp các em không cảm thấy bị phân biệt, từ đó tự tin hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống...

Thời gian gần đây, mặc dù nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều thách thức, song Hà Nội luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực để cố gắng mang lại những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. “Năm 2022, Hà Nội phấn đấu có ít nhất 99% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức; 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, tư vấn, trợ giúp kịp thời ngay sau khi phát hiện vụ việc. Đặc biệt, trong Tháng hành động Vì trẻ em (diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 30-6), các cơ quan chức năng dành hàng tỷ đồng để trợ giúp trẻ em khó khăn”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm động lực cho trẻ em khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.