(HNM) - Thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Tùy đối tượng, dự thảo đề xuất các mức phụ cấp nhà giáo từ 25% đến 100%. Trong bối cảnh còn thiếu giáo viên và nhiều nhà giáo đã chuyển việc, thì đây được coi là động lực, điểm tựa để đội ngũ nhà giáo có thêm động lực cống hiến và vượt khó.
Giáo viên mầm non được tăng gấp đôi mức phụ cấp
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia phụ cấp theo tám mức. Mức phụ cấp thấp nhất là 25%, được áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng...; còn mức cao nhất là 100%, áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới.
Điểm nhấn đáng chú ý của dự thảo là dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ giáo viên mầm non, nâng mức phụ cấp của đội ngũ này lên gấp đôi so với hiện nay. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thu nhập của giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác. Do đó, Bộ đề xuất phương án nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức phụ cấp 100%. Ước tính, cả nước có hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng được điều chỉnh.
Theo dự thảo, các nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đều được hưởng phụ cấp. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được vận dụng thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị.
Hiện tại, dự thảo đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://moet.gov.vn) để nhận ý kiến góp ý của các đơn vị, cá nhân, hạn cuối đến ngày 9-1-2023.
Ấm lòng nhà giáo
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội hiện có hơn 1.100 trường mầm non với gần 540.000 trẻ ra lớp. Số lượng giáo viên mầm non đang công tác tại các trường mầm non công lập là hơn 35.000 người. Theo ghi nhận thực tế, thông tin điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi tăng gấp đôi cho giáo viên mầm non công lập theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được dư luận xã hội, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đồng tình. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đều cho rằng, sự điều chỉnh này (nếu được phê duyệt), có thể chưa giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay của nhà giáo, song là liều thuốc tinh thần, động lực để các nhà giáo chuyên tâm cống hiến, hạn chế hiện tượng giáo viên chuyển việc.
Những ngày gần đây, các cô giáo Trường Mầm non Khánh Thượng A (huyện Ba Vì) và nhiều đồng nghiệp công tác cùng địa bàn không giấu nổi niềm vui, khi nhận được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh thông tin, trên địa bàn có 5 trường mầm non thuộc 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Ba Vì, Yên Bài gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống của giáo viên rất vất vả, nhiều người còn tranh thủ ngày nghỉ đi làm thêm. Các cô giáo này đang được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 35%, nếu đề xuất được phê duyệt thì mức ưu đãi tăng gấp đôi, như vậy cuộc sống của các cô giáo mầm non sẽ được cải thiện đáng kể, giúp các cô yên tâm với nghề.
Còn cô giáo Đinh Thị Phương, Trường Mầm non Văn Phú (huyện Thường Tín) mong muốn đề xuất này sớm thành hiện thực, để thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề được cải thiện. “Sự hỗ trợ thường xuyên, tích cực này, không chỉ là sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước đối với cuộc sống nhà giáo vốn còn nhiều khó khăn, mà còn là nguồn động viên, làm ấm lòng đội ngũ nhà giáo, tiếp thêm động lực để chúng tôi thêm yêu nghề…”, cô giáo Đinh Thị Phương chia sẻ.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho biết, để thu hút và “giữ chân” giáo viên, Bộ đang xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp, tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Bộ cũng đề nghị các địa phương có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ giáo viên; xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt, nhằm thu hút giáo viên về công tác và tạo niềm tin, sự yên tâm cho nhà giáo trong quá trình công tác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.