(HNM) - Theo thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản đã được lựa chọn là đối tác để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 2.
Tham gia triển lãm, Hitachi đã giới thiệu công nghệ nhà máy ĐHN nước nhẹ kiểu sôi (ABWR) thế hệ mới được cho là tiên tiến nhất hiện nay, có cải tiến sau sự cố Fukushima tháng 3-2011. Hitachi cũng là đơn vị tham gia một phần hoặc toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành 20/54 lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản nên được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Ông Junichi Kawahata, Phó Tổng giám đốc bộ phận dự án ĐHN (Công ty hệ thống điện Hitachi) cho biết, ngoài 20 tổ máy ĐHN đã xây dựng thì 3 tổ máy đang thi công tại Nhật Bản đều là công nghệ ABWR của Hitachi. Công nghệ ABWR được xem là an toàn nhất hiện nay vì tỷ lệ hỏng hóc của thiết bị đã được giảm thiểu tối đa. Sau thảm họa Fukushima vốn không sử dụng công nghệ ABWR, Hitachi đã đánh giá lại toàn bộ công nghệ của mình, trong đó tập trung vào việc tạo nguồn điện dự phòng ổn định, tránh để mất điện trong mọi trường hợp đối với các nhà máy ĐHN khi có sự cố xảy ra. Hệ thống cửa ra, vào lò phản ứng cũng được thay thế bằng những vật liệu mới không thấm nước. Ngoài ra, các nhà máy xây mới được khuyến cáo nâng cốt nền lên thêm 15m, trang bị hệ thống bể chứa làm mát để đủ khả năng ứng phó thảm họa. "Hiện 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đang dừng hoạt động để kiểm tra độ an toàn và theo tôi biết, đã có một số nhà máy đề nghị Chính phủ cho phép họ tái khởi động sau quá trình đánh giá khắt khe. ĐHN vẫn là công nghệ phù hợp, không gây ô nhiễm và giá thành rẻ trong tình hình hiện nay" - ông Junichi Kawahata nói.
Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ hai nước có thỏa thuận về Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, Hitachi đã thành lập bộ phận "Dự án ĐHN Việt Nam", trụ sở chính ở Tokyo, nhằm tăng cường các hoạt động kinh doanh mới cũng như để hỗ trợ cho kế hoạch xây dựng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, từ năm 2011, Hitachi bắt đầu hợp tác đào tạo tại Trường ĐH Điện lực, ĐH Bách khoa Hà Nội về ĐHN. Việt Nam cũng là một trong 11 khu vực được Hitachi xác định là thị trường chủ lực trong những năm tới.
Ông Junichi Kawahata cho biết thêm, Hitachi cũng đã tiếp cận với các doanh nghiệp Việt Nam để nghiên cứu về dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Nếu trở thành đối tác chính, Hitachi sẽ sử dụng công nghệ ABWR có cải tiến cho dự án nêu trên. Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy nền đất tại Ninh Thuận khá cứng và ổn định nên công nghệ ABWR mới sẽ an toàn hơn trong trường hợp có cả động đất kèm sóng thần như đã từng xảy ra ở Fukushima.
Theo sơ đồ điện 7 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố thì đến năm 2020, Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 sẽ đi vào hoạt động, do đó chậm nhất công trình này phải được khởi công vào năm 2017. Ngoài ra, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy mọi công tác chuẩn bị về nhân lực, khảo sát địa chất... phải tiến hành ngay từ thời điểm này để đến năm 2014 có thể hoàn thành các phương án và đưa ra thẩm định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.