Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm cơ hội cho người khuyết tật

Quỳnh Anh - Kim Anh| 14/08/2012 07:15

(HNM) - Em Bùi Văn Tùng, sinh năm 1991, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị teo cơ hai chân bẩm sinh. Nhà quá nghèo, lại đông anh em nên Tùng không được đến trường như các bạn.


Mong ước của Tùng là có được việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân, nhưng do bị khuyết tật, tay nghề, trình độ không có nên Tùng gặp phải rất nhiều khó khăn khi đi xin việc. "Em là anh cả, dưới còn mấy đứa em đang đi học. Nếu em có việc làm, không chỉ giảm gánh nặng cho gia đình mà còn có thể đỡ đần bố mẹ nuôi các em ăn học", Tùng tâm sự.

Mong ước tìm được việc làm phù hợp, ổn định của Tùng cũng là mong ước của rất nhiều người khuyết tật và giờ đây mong ước này đã có thêm nhiều cơ hội trở thành hiện thực khi Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) và Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam hợp tác triển khai "Mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật tại Hà Nội". Mô hình xây dựng mạng lưới liên kết giữa các trung tâm phục hồi chức năng thể chất, các đơn vị đào tạo nghề, tư vấn đồng cảnh và các đơn vị sử dụng lao động thông qua sự kết nối là Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Người khuyết tật đăng ký tham gia mô hình sẽ được đánh giá khả năng lao động, khả năng sức khỏe và năng lực làm chủ hành vi; tiếp đó họ sẽ được kết nối với các dịch vụ phù hợp như phục hồi khả năng lao động, phục hồi tâm lý, rồi được đào tạo nghề, đào tạo các kỹ năng tìm việc làm phù hợp, kỹ năng cư xử với đồng nghiệp, với chủ doanh nghiệp. Sau khi người khuyết tật có được việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ trong 3 tháng, giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn, tạo lập công việc bền vững.

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, mô hình trên đã được thực hiện thành công ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình trên đã được thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng trong 2 năm (2009-2011) và kết quả thu được là hết sức khả quan. Tham gia vào mô hình, người khuyết tật có đủ điều kiện muốn có việc làm ổn định sẽ được tạo điều kiện xóa bỏ rào cản thông qua phục hồi chức năng sức khỏe, đào tạo giỏi nghề và được giúp đỡ có việc làm. "Mục đích của mô hình là nhằm tăng cường khả năng cho người khuyết tật trong việc chuẩn bị nghề nghiệp, tìm và duy trì việc làm phù hợp, ổn định. Đối tượng mà mô hình hướng tới là những người khuyết tật đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội, thuộc lứa tuổi từ 16 đến 50, thực sự mong muốn tìm một công việc phù hợp", ông Chính nói.

Cũng theo ông Vũ Trung Chính, mô hình này mang lại lợi ích cho cả người khuyết tật và đơn vị sử dụng lao động. Đối với người khuyết tật khi có việc làm ổn định sẽ giúp họ khắc phục khó khăn về kinh tế cho gia đình, ổn định đời sống, đồng thời giúp họ xóa bớt sự mặc cảm kỳ thị lâu nay. Đối với các đơn vị sử dụng lao động, khi sử dụng người khuyết tật vào làm việc sẽ ổn định về nhân công hơn do người khuyết tật hiếm khi chuyển đi nơi khác. Các đơn vị này sẽ được biết đến nhiều hơn với hình ảnh của một doanh nghiệp có cam kết về trách nhiệm xã hội, tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trong xã hội. Đó là còn chưa kể đến việc những đơn vị này được hưởng nhiều ưu đãi từ việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc như được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế sử dụng đất, thuê đất hoặc có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Hiện Hà Nội có 89.299 người khuyết tật, trong đó có 11.729 người (chiếm 13,14% người khuyết tật) là có việc làm. Số người còn khả năng lao động chưa có việc làm là 13.892 người (chiếm 15,56% người khuyết tật). Mô hình phục hồi chức năng lao động sẽ là cầu nối để người khuyết tật có thể tham gia vào thị trường lao động hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm cơ hội cho người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.