(HNM) - Ngày 12-3, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2012/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ số 16), quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch với mức phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng, cao nhất là 40 triệu đồng.
Nhìn vào nội dung quy định xử phạt hành chính trong nghị định nói trên, chắc chắn có những điều khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch phải giật mình. Chẳng hạn như quy định xử phạt hành vi sử dụng giấy chứng nhận hành nghề hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn sai về giá trị văn hóa, lịch sử; số lượng phòng nghỉ và diện tích phòng không đúng với hạng "sao" đã được cấp phép; hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động; sử dụng lái xe ô tô vận chuyển khách du lịch không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch; không thông tin rõ ràng, trung thực về số lượng, chất lượng và niêm yết giá các dịch vụ, hàng hóa cho khách du lịch; không treo quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch tại vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân…
Nói có nơi giật mình trước sự xuất hiện của NĐ số 16 là bởi lâu nay tồn tại nghịch lý trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, chẳng hạn như có chuyện chất lượng cơ sở vật chất ở khách sạn "nhiều sao" không bằng khách sạn "ít sao" hơn; có khách sạn được phong "sao" nhưng chất lượng buồng, phòng, dịch vụ thực chất chỉ ngang hàng nhà nghỉ (!).
Về nguyên tắc, các khách sạn được phân hạng dựa trên bộ tiêu chuẩn chặt chẽ, trong đó có các tiêu chí về vị trí kiến trúc, chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ, trang thiết bị và tiện nghi, điều kiện vệ sinh môi trường. Khách sạn được xếp hạng càng cao thì chất lượng dịch vụ và điều kiện bảo đảm cho việc đó càng gần với sự hoàn chỉnh. Tiêu chí, tiêu chuẩn là vậy nhưng trong thực tế có thể đã xuất hiện sự sai trong đánh giá xếp hạng, do vô tình hay vì nể nang, bởi thế mới có tình trạng như đã nói ở trên.
Nghị định mới còn có tác dụng thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp, cũng như góp phần chấn chỉnh lề lối tác nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên; xa hơn, có thể là tác nhân giúp sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch với đơn vị quản lý điểm đến chặt chẽ, chứ không mạnh ai nấy lo việc mình như thường thấy hiện nay.
Nghị định số 16 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30-4-2012, thay thế Nghị định số 149/2007/NĐ-CP. Với những quy định mới, phù hợp hơn, NĐ số 16 có thể góp phần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú, xúc tiến du lịch vốn lâu nay còn có sự hạn chế, làm ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chất lượng công tác thanh - kiểm tra hoạt động du lịch được tiến hành như thế nào, có minh bạch không và cơ chế "hậu kiểm" được thực hiện ra sao để bảo đảm sự công bằng đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, rõ tác dụng khuyến khích những đơn vị kinh doanh chân chính, hợp pháp?
Muốn NĐ 16 phát huy tác dụng, có thể chỉ ra những việc cần được thực hiện nghiêm túc. Thứ nhất, cơ quan thanh tra và quản lý văn hóa, thể thao và du lịch cần duy trì chế độ thanh - kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong thời gian dài, tránh lối tư duy "kỳ cuộc", "đầu voi đuôi chuột". Thứ hai, khi phát hiện sai phạm thì cần cương quyết xử lý đến nơi đến chốn để bảo đảm sự công bằng, giữ gìn kỷ cương, tạo ý thức tuân thủ quy định chung. Thứ ba, cần có cơ chế "hậu kiểm" thường xuyên để giữ cho hoạt động thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm được "ngay ngắn", hạn chế hành vi thỏa hiệp, bao che để mưu lợi cá nhân. Thứ tư, là tận dụng tối đa kênh thông tin phản hồi về chất lượng dịch vụ từ khách hàng, coi đó là kênh thông tin quan trọng cho việc thẩm định lại thứ hạng của các cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh dịch vụ liên quan…
NĐ số 16 có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm cơ hội để ngành du lịch chấn chỉnh hoạt động ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, quảng bá, xúc tiến điểm đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.