(HNM) - Việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, giờ hoạt động của các trung tâm dịch vụ lớn đã được UBND TP Hà Nội chính thức có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế nhằm giảm bớt áp lực giao thông trong thành phố bởi bản chất của vấn đề nằm ở quy hoạch tổng thể, mà xem ra bao nhiêu năm nay chúng ta có vẻ như thiếu tầm, nên ùn tắc giao thông mỗi ngày thêm trầm trọng.
Từ câu chuyện của giao thông, nhìn sang chuyện học hành của con trẻ ở Thủ đô mà chợt giật mình. Theo những con số thống kê mà ngành chức năng đưa ra, Hà Nội hiện có 839 trường mầm non (cả công lập và dân lập), đáp ứng 100% số trẻ 5 tuổi ra lớp, 86% số trẻ độ tuổi mẫu giáo (từ 3-5 tuổi) và 29,1% số trẻ thuộc nhóm nhà trẻ (dưới 3 tuổi). Điều đó cho thấy, với mục tiêu "vì tương lai con em chúng ta" vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã dành một ngày khảo sát một số địa điểm dự kiến xây dựng trường mầm non ở hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Qua khảo sát và xuất phát từ tình hình thực tế, đồng chí Bí thư đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương, linh hoạt giải quyết các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đạt được mục tiêu đến hết năm 2013, hai quận này phải có thêm 6 trường mầm non công lập.
Chuyện chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ ngay từ khi các cháu đủ tuổi đi nhà trẻ đến lúc trưởng thành là việc làm có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội; do vậy đây luôn được coi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân.
Từ một thành phố mà khu vực nội thành những năm 50-60 của thế kỷ XX chỉ mấy chục vạn dân, nay chính ngay tại các nơi này dân số đã lên tới hàng triệu, đủ để thấy tốc độ phát triển luôn tăng theo cấp số nhân khi so sánh với việc nâng cấp, xây mới không chỉ các trường mầm non dành cho các cháu. Cái lỗi trong dự báo ấy đã khiến mọi quy hoạnh phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội luôn không theo kịp thực tế, tạo áp lực không nhỏ trong việc chăm lo về mọi mặt cho các cháu vừa được học tập, vừa vui chơi giải trí trong một môi trường hội đủ các tiêu chí cần thiết.
Tình trạng lộn xộn về trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, quản lý đô thị cũng đã được nêu ra nhiều lần, tại nhiều diễn đàn từ cơ sở đến Quốc hội. Nhưng, xem ra trong không khí cởi mở và dân chủ ấy, lợi ích cộng đồng và trách nhiệm của mỗi nhóm cư dân với cộng đồng chưa được giải quyết một cách thỏa đáng vì mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn minh, thanh lịch và hiện đại.
Nhiều khu nhà ở cao cấp đã, đang và sẽ tiếp tục mọc lên trên những khu đất vốn là nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất. Nay mai, cũng có thể nó sẽ mọc lên trên mảnh đất của các trường trung cấp, đại học được di dời khỏi thành phố?
Chính từ những khu nhà cao cấp ấy, chắc chắn chỉ trong vòng 5-10 năm nữa sẽ lại có thêm hàng vạn đứa trẻ ra đời. Những mô hình xây dựng kia, liệu có đủ mọi tiện nghi cần thiết cho một không gian sống hợp với thời đại của sự phát triển; và có đủ trường, lớp học cho một thế hệ mới của Thủ đô những năm 20 thế kỷ này?
Chắc chắn các nhà hoạch định chính sách tiếp tục phải trả lời thêm một câu hỏi cũng không kém phần quan trọng: Mai này bé học ở đâu?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.