Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm bài học về trùng tu di tích

Minh Ngọc| 27/03/2014 06:18

(HNM) - Vụ việc tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc này lại một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, trùng tu di tích.



Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định mức độ sai sót trong quá trình tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc không đến mức nghiêm trọng và có thể khắc phục được, song vụ việc này lại một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, trùng tu di tích.

Đình Quang Húc đã được trùng tu từ nhiều năm nay nhưng hiện chưa được nghiệm thu. Ảnh: Thành An


Sai sót "không nghiêm trọng"!

Theo phản ánh của người dân thôn Quang Húc trong sáng 26-3, chất lượng mộc và ngõa khi thi công tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc không bảo đảm. Tất cả các cấu kiện làm mới bằng gỗ, gồm: Cột, đón mái, đầu đao, hoành, rui, ván… đều thiếu số đo so với bản thiết kế. Gạch lát nền và ngói lợp quá non, không bảo đảm chất lượng, hàng cột dựng không đều, hở mộng, một số con kìm bằng đất nung trên mái đã bị thay thế bởi hiện vật mới bằng xi măng. Hoa văn, tình tiết các con giống sắp đặt vô nguyên tắc… Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này, theo người dân thôn Quang Húc là do họ không được tham gia giám sát cộng đồng ngay từ khâu hạ giải.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì cho biết, đình Quang Húc được xây dựng đầu thế kỷ XVII, hoàn toàn bằng gỗ nên không tránh khỏi sự xuống cấp, dù đã trải qua nhiều đợt tu sửa. Trước khi trải qua đợt đại trùng tu này, nền và sân đình Quang Húc thấp, hễ mưa là ngập, do đó hệ thống ván sàn nguyên thủy đã mất toàn bộ, 45/48 cột chân tảng bằng đá ong đã bị mủn hết, chỉ còn 3 chân tảng bằng đá có thể tái sử dụng. Hệ thống cột gỗ hầu như cũng đã bị mủn, tiêu tâm một phần, ngói lợp gồm rất nhiều loại, có niên đại khác nhau và không thể tái sử dụng… Sau khi hạ giải và đánh giá cấu kiện, các đơn vị chuyên môn (trong đó có Cục Di sản văn hóa) quyết định thay mới 13 cột gỗ, 35 cột còn lại khắc phục bằng cách nạo vét sạch những đoạn bị mối mọt, bơm bột gỗ vào những chỗ bị tiêu tâm, thay mộng, nối cột, ốp mang để tiết kiệm chi phí và bảo đảm nguyên tắc trùng tu. Hệ mái phải thay mới gần như toàn bộ, phần lớn chân tảng được thay mới… Về quy trình, thủ tục pháp lý, dự án tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Nghĩa cũng thừa nhận, đôi nghê trên bậc thềm mới được đưa vào di tích từ năm 1995, nhưng việc đơn vị thi công đã thay đôi nghê cũ bằng đôi nghê mới có nhiều chi tiết không tương đồng là không hợp lý. Thanh xà ngang tại hậu cung hiện nay không nằm trong thiết kế và việc để đơn vị thi công sơn màu đỏ công nghiệp ở hậu cung là sơ suất trong khâu quản lý, giám sát của chủ đầu tư.

Sau khi kiểm tra thực tế, đối chiếu với hồ sơ thiết kế cũng như thỏa thuận kinh tế kỹ thuật, ông Dương Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH,TT&DL Hà Nội) khẳng định, thông tin đôi nghê, thanh xà ngang tại hậu cung, các con giống trên bờ đắp, bờ tràn, việc lắp dựng hệ thống cột gỗ chưa thẳng hàng, kỹ thuật nối vá chưa đúng gây hở mộng như người dân thôn Quang Húc và một số cơ quan báo chí phản ánh là có cơ sở. Còn thông tin mái đình bị dột, gạch lát sân không đúng thiết kế là chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cho rằng, những chi tiết chưa hợp lý này không đến mức nghiêm trọng, hoàn toàn có thể khắc phục.

Người dân dùng phấn đánh dấu các cấu kiện chắp vá, không khớp với nhau. Ảnh: Hà Phương


Bài học không bao giờ cũ

Để khắc phục những sai sót nói trên, ông Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định BQL dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Quang Húc đã yêu cầu đơn vị thi công bóc bỏ lớp sơn đỏ tại hậu cung, trả lại màu nguyên gốc cho di tích. Đôi nghê bằng gỗ mới chạm trổ trên khám thờ hậu cung sẽ được dỡ bỏ, lấy lại yếu tố cũ, gia cố và đưa lên. Thanh xà ngang tại hậu cung sẽ được điều chỉnh. Việc lắp ghép cột gỗ, kỹ thuật kết nối các mộng chưa bảo đảm mỹ quan cũng sẽ được sửa lại. Riêng đôi nghê mới trên bậc thềm đã được "bứng" đi trong ngày 24-3. Cùng quan điểm trên, ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nói: "Dự án tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc vẫn đang trong quá trình thi công, chưa được nghiệm thu nên chi tiết nào chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tận dụng tối đa các yếu tố gốc. Một số chi tiết không còn sử dụng được thì các bên liên quan phải làm rõ, lập biên bản hiện vật với sự chứng kiến của người giám sát cộng đồng".

Mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định như vậy, song vẫn có không ít câu hỏi được đặt ra. Đó là tại sao đơn vị thi công lại có thể tùy tiện làm theo yêu cầu của một số người dân (thay xà ngang tại hậu cung, lát lại sân, đặt đôi nghê tại bậc thềm…) trong khi thiết kế không có? Và vì sao đình Quang Húc mặc dù không có cổng, tường rào ngăn cách, ai cũng có thể ra vào trong suốt quá trình thi công, song phải đợi đến khi công trình bước vào giai đoạn hoàn thiện người dân mới lên tiếng? Hơn thế, dự án tu bổ, tôn tạo đình Quang Húc có tổ giám sát cộng đồng gồm 4 thành viên, đại diện cho 3 thôn trong xã, do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã làm tổ trưởng, vậy tại sao người dân lại phản ánh họ không được tham gia giám sát cộng đồng? Hay như đôi nghê gỗ trên khám thờ hậu cung bị đưa đi đâu một thời gian dài không ai biết, nhưng hiện nay người ta lại thấy nó ở nhà văn hóa?... Rõ ràng là công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng cũng như vai trò giám sát cộng đồng bị buông lỏng, sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia tu bổ với chính quyền địa phương và người dân chưa thống nhất.

Việc quản lý, trùng tu di tích chưa bao giờ là điều dễ dàng, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những sai sót không đáng có. Bài học từ vụ việc đình Quang Húc tuy không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, bởi Hà Nội còn rất nhiều di tích đã, đang và sắp được trùng tu. Và nếu không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, e rằng sẽ còn nhiều di tích đứng trước nguy cơ bị "làm mới", mất giá trị nguyên gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm bài học về trùng tu di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.