Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ: Mối lo thường trực (bài 2)

Mai Hoa - Vũ Quỳnh| 17/09/2013 06:50

(HNM) - Ở một số môn đã rõ hơi hướng chuyên nghiệp như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… đã có sự khác trong công tác đào tạo trẻ so với

Bài 2: Những mảng màu sáng tối (tiếp theo)

(HNM) - Ở một số môn đã rõ hơi hướng chuyên nghiệp như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt… đã có sự khác trong công tác đào tạo trẻ so với "các môn bao cấp", tiếc rằng sự thay đổi trong cách đầu tư cho VĐV trẻ khá tự phát.



Những năm gần đây, bóng đá Việt Nam từng gây xôn xao với sự xuất hiện của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - Arsenal JMG. Đó thực sự là mô hình chuẩn về đào tạo trẻ khi VĐV được huấn luyện với chu trình khép kín, từ ăn tập đến học văn hóa. Với bóng đá Việt Nam, đây thực sự là bước ngoặt về đào tạo trẻ khi có một CLB trong nước liên kết với một CLB nổi tiếng thế giới để tạo nên một học viện bóng đá. Nhưng học viện này ra đời không phải do cơ quan quản lý định hướng, mà do ông bầu Đoàn Nguyên Đức (HAGL) chủ động làm việc với đối tác - CLB Arsenal. Trước và sau HAGL - Arsenal JMG, đã có một loạt lò đào tạo trẻ khác của Trung tâm Thành Long, Quỹ Đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam đã ra đời. Mỗi trung tâm có hướng đào tạo khác nhau, và kết quả đào tạo cũng khác nhau.

Trong khi đó, LĐBĐ Việt Nam đang thiếu vị trí giám đốc kỹ thuật, do đó thiếu sự định hướng đào tạo trẻ phù hợp trong mối liên quan tới việc xác định bản sắc của nền bóng đá cũng như sự vận hành của các cấp độ đội tuyển quốc gia. Đến đây, cần phải nhắc đến kinh nghiệm đào tạo trẻ trong làng bóng đá thế giới. Như bóng đá Đức, sau chu kỳ thất bại thì từ cuối thế kỷ trước đã tập trung cho công tác đào tạo trẻ, trong đó đề cao vai trò của giám đốc kỹ thuật. Kết quả là đến nay, bóng đá Đức luôn sản sinh ra các tài năng trẻ, còn đội tuyển quốc gia cũng luôn có thành tích ổn định tại các kỳ Euro hay World Cup.

Hiện tại, khâu đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam gặp nhiều vấn đề. Thậm chí, một số đội bóng từng dự giải bóng đá chuyên nghiệp còn không có hệ thống đào tạo trẻ, như Navibank Sài Gòn, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Nhiều ông bầu đến với bóng đá chuyên nghiệp với những mục tiêu ngắn hạn, vung tiền chiêu mộ cầu thủ mà bỏ bẵng hệ thống đào tạo trẻ. LĐBĐ Việt Nam phải ra quy định phạt tiền bất cứ CLB không có đội trẻ kể từ mùa giải 2014. Nhưng mức tiền phạt lại thấp hơn kinh phí xây dựng hệ thống đào tạo trẻ (với đủ các tuyến từ U11 đến U19) nên rất có thể một số CLB sẽ chấp nhận nộp phạt chứ không đầu tư cho tuyến trẻ.

Quần vợt hay cờ vua cũng mang nặng hơi hướng tự phát. Để có được những thành tích như vừa qua, những Lê Quang Liêm (cờ vua), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Hoàng Thiên (quần vợt) đều phải dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình là chính. Ở môn cờ vua, Nguyễn Ngọc Trường Sơn là tài năng không kém Lê Quang Liêm, nhưng vì điều kiện gia đình không được như Lê Quang Liêm nên những năm qua chỉ ở mức tạm được, chưa bứt hẳn lên "trình" siêu đại kiện tướng. Kinh phí của Nhà nước đầu tư cho Trường Sơn chỉ đủ để kỳ thủ này tham dự một số giải đấu quốc tế, không được thi đấu đỉnh cao nhiều như Quang Liêm. Một ví dụ khác: Hà Nội đang muốn có một kỳ thủ đạt tới đẳng cấp của Lê Quang Liêm nhưng để làm được điều này, như một HLV của Hà Nội nhận xét, là không đơn giản, dù Thủ đô không thiếu VĐV có tố chất, tiềm năng, đơn giản là vì sự khó trong đầu tư.

Bóng chuyền có khác so với bóng đá. Năm trước, giải trẻ quốc gia có quá ít đội tham gia vì nhiều CLB bỏ bễ việc đào tạo trẻ, dồn tiền cho đội lớn thông qua chiêu mộ cầu thủ ngoại hay những gương mặt sáng giá trong nước nhằm giải quyết thành tích trước mắt. Có lúc, giải chỉ thu hút được 6 đến 8 đội, trong khi đó, bình thường phải có 12 đội. Hệ quả thấy rõ khi đội tuyển quốc gia mấy năm qua hầu như không có gương mặt mới nào thật sự gây ấn tượng, thành tích trên đà sa sút. Chính vì vậy, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã ra quyết định là các CLB phải có đội tuyển trẻ thì mới được dự giải hạng mạnh. Hiệu quả thấy rõ khi giải trẻ năm nay thu hút đầy đủ các đội trẻ của các đội hạng mạnh, rõ ràng là mọi sự đang có chuyển biến tích cực.

Thể thao đỉnh cao cần dựa trên chân đế mạnh, muốn có tiền đề ấy thì tỉnh, thành, ngành cần có sự chủ động trong công tác tạo nguồn. Như Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Quách Thị Lan (điền kinh), giả sử họ không nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị chủ quản, cả 3 VĐV này liệu có đạt đến tầm mức như hôm nay? Hiện tại, không nhiều bộ môn ở Việt Nam làm được điều này. Tình trạng đầu tư dàn trải, cào bằng vẫn diễn ra dù ai cũng hiểu là với thể thao đỉnh cao, nhà quản lý cần phải dồn sự đầu tư cho những VĐV trọng điểm, những người có tài năng vượt trội.

Bây giờ, khi ASIAD 2019 đang sầm sập đến, yêu cầu đào tạo ra lứa VĐV xuất sắc có thể gánh vác nhiệm vụ trong 6 năm tới càng trở nên bức thiết. Đào tạo VĐV từ đầu thì hiện giờ đã không còn kịp, nên chỉ còn cách tập trung cho những VĐV trẻ xuất sắc hiện nay. Danh sách hơn 100 VĐV trẻ trọng điểm cho ASIAD 19 đã được tập hợp, nhưng đầu tư cụ thể như thế nào cho những VĐV này thì lại chưa có hướng cụ thể, bởi đề án còn đang chờ được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Việt Nam và vấn đề đào tạo trẻ: Mối lo thường trực (bài 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.