(HNM) - Hiếm khi Thể thao Việt Nam rơi vào cảnh phải đau đầu lựa chọn nhân sự do có nhiều VĐV vượt qua vòng loại và có nhiều VĐV ngang tài ngang sức trong một nội dung thi đấu như trước kỳ Olympic 2016.
Có "suất" mà chưa có "tên"
Với mỗi VĐV, việc giành được suất dự Olympic là niềm vinh dự, là chiến công không gì so được. Nhiều VĐV coi đó là mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp bởi được hít thở bầu không khí đặc biệt tại Olympic sẽ là trải nghiệm vô giá. Quan trọng là thế nên việc chọn ai thi đấu tại Olympic là phần việc nhiều sức ép đối với các HLV. Trong nhiều trường hợp, những VĐV trực tiếp giành vé dự Olympic chưa chắc đã có tên trong danh sách đoàn Thể thao Việt Nam dự ngày hội thể thao thế giới này.
Đô vật Nguyễn Thị Lụa đã giành tấm vé tham dự Olympic. |
Đến lúc này, Thể thao Việt Nam đã có 16 suất tham dự Olympic 2016, nhưng chủ nhân của nhiều suất vẫn chưa được xác định. Như ở môn vật nữ, dù Vũ Thị Hằng (48kg nữ), Nguyễn Thị Lụa (53kg nữ) đã giành vé dự Olympic 2016 nhưng họ hoàn toàn có thể bị thay thế vào phút chót nếu phong độ không tốt hoặc gặp chấn thương nặng. Điều tương tự cũng có ở môn bắn súng, với trường hợp Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường dù cả hai hoàn toàn "vô đối" tại Việt Nam.
Việc đặt các VĐV trong "chế độ chờ" là điều dễ hiểu, bởi trong lịch sử các lần tham dự Olympic của Thể thao Việt Nam trước đây, một số VĐV đã mất suất dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh vào phút chót, trong đó, trường hợp cố võ sĩ Hoàng Hà Giang lỡ hẹn với Olympic 2008 là đáng tiếc hơn cả. VĐV này đã giành vé dự Olympic 2008 thông qua đấu loại trực tiếp, tuy nhiên, đến phút cuối, do sức khỏe không tốt nên đã bị loại. Lúc đó, VĐV Trần Thị Ngọc Trúc đã được thế vào suất của Hoàng Hà Giang.
Những lựa chọn khó khăn
Đến giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Olympic 2016, Thể thao Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn về mặt nhân sự.
Ở môn rowing, người ta đã không khỏi mừng rỡ khi Phạm Thị Huệ giành chuẩn dự Olympic 2016 ở nội dung thuyền đơn hạng nặng. Tin vui tiếp tục bay về khi bộ đôi Phạm Thị Thảo - Tạ Thanh Huyền đã vượt qua vòng loại Olympic 2016 ở nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ. Thế nhưng, theo quy định của Liên đoàn Đua thuyền Châu Á, nếu vượt qua vòng loại, mỗi quốc gia chỉ được 1 suất nam, 1 suất nữ tham dự Olympic 2016. Như vậy, các HLV sẽ phải "nâng lên đặt xuống" kỹ càng, cân nhắc chọn một nội dung nữ tham dự Olympic 2016. Và, họ chỉ còn vài ngày nữa để đưa ra quyết định cuối cùng.
Còn ở môn cử tạ, cách đây vài tháng, với suất tham dự dành cho VĐV nữ, các HLV nhắm đến Vương Thị Huyền, Á quân thế giới năm 2015. Tuy vậy, tại vòng loại Olympic 2016 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ở hạng 48kg nữ, đô cử này chỉ xếp hạng 8 với mức tổng cử 187kg, kém 8kg so với thành tích tốt nhất của cô. Trong khi đó, VĐV Nguyễn Thị Thúy - "phương án hai" tại hạng cân 48kg nữ lại được xếp hạng tư với mức tổng cử 192kg. Thành tích của Nguyễn Thị Thúy góp phần đưa Đội tuyển Cử tạ nữ Việt Nam tới với chiếc vé tham dự Olympic 2016. Hiện nay, danh tính chủ nhân của tấm vé đó chưa được xác định cụ thể. Nhiều khả năng là nội dung 48kg nữ sẽ được chọn bởi đây là nội dung mà các VĐV Việt Nam có nhiều hy vọng giành huy chương Olympic. Nhưng là chọn ai, Nguyễn Thị Thúy hay Vương Thị Huyền? Theo Ban huấn luyện đội tuyển, danh tính chủ nhân của tấm vé này sẽ được xác định dựa trên phong độ mà các VĐV thể hiện trên sàn tập, chứ không phải danh tiếng. Đó cũng là điều đáng mừng khi ở nội dung này có nhiều hơn một VĐV đáp ứng được yêu cầu. Điều đó sẽ tạo nên sự cạnh tranh tích cực, thúc đẩy người trong cuộc cùng gắng sức thay vì ỷ thế "một mình một ngựa".
Sự lựa chọn nhân sự ở môn rowing, cử tạ nữ đều không dễ dàng, có thể làm các HLV phải đau đầu. Nhưng đó là "cơn đau đầu dễ chịu", cần xuất hiện nhiều hơn trong làng thể thao Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.