(HNM) - Giai đoạn 2005-2010, duy trì chiến lược "đi tắt đón đầu", thể thao Thủ đô đã liên tiếp góp công, làm dày thêm bảng vàng huy chương của Thể thao Việt Nam (TTVN) trên trường quốc tế. Để tiếp tục vững bước trên đường hội nhập, các nhà quản lý thể thao Thủ đô đã vạch ra những bước đi vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược, nhìn xa đến năm 2015, thậm chí đến 2020.
Các VĐV tham gia Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 37. Ảnh: Bảo Lâm |
Đỉnh cao: Xuất sắc
Ngay từ năm 2005, các nhà quản lý thể thao Thủ đô đã xây dựng Quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT giai đoạn 2006-2015 và định hướng đến 2020, thể hiện một tầm nhìn xa. Chỉ tiêu cụ thể của từng năm đều được đặt ra rất rõ ràng. Ví như năm 2005, phấn đấu đóng góp tối thiểu 30% thành tích của đoàn TTVN tại SEA Games 23; năm 2006 giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc, tham gia với vai trò nòng cốt của đoàn TTVN dự ASIAD 15, góp 25% trong tổng số huy chương của đoàn TTVN giành được tại Đại hội; năm 2007 tham gia, có thành tích tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ II (AIG II-Macao), góp tối thiểu 30% trong tổng số huy chương Đoàn TTVN dự SEA Games 27 - Thái Lan; năm 2008 phấn đấu vị trí nhất toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; năm 2009 góp tối thiểu 30% trong tổng số huy chương Đoàn TTVN dự SEA Games 25 - Lào, phấn đấu góp thành tích tại AIG III do Hà Nội đăng cai chính... Trên thực tế, tuy có không ít yếu tố khách quan tác động nhưng hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều đã được thực hiện thành công, như Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đánh giá mới đây: "Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong rất nhiều năm về thể thao, đặc biệt là thể thao đỉnh cao".
Một số chỉ tiêu cho giai đoạn 2010-2015, định hướng tới 2020 * Đóng góp lực lượng nòng cốt cho Đoàn TTVN thi đấu thành công của các kỳ SEA Games năm 2011, 2013, 2015. * Có huy chương tại Olympic năm 2012, dẫn đầu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012, giữ vững vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014... * Chuẩn bị các điều kiện nhân lực, vật lực, sẵn sàng lực lượng nếu Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD vào năm 2019. |
Năm 2010, thể thao Thủ đô tập trung 2 nhiệm vụ lớn. Đó là, giữ vững vị trí thứ nhất toàn đoàn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI và giữ vai trò nòng cốt cho đội tuyển quốc gia tham dự ASIAD 16 tại Quảng Châu - Trung Quốc, đóng góp tích cực vào thành tích chung của Đoàn TTVN tại đại hội. Tính đến thời điểm này, có thể mạnh dạn nói rằng cả 2 nhiệm vụ này đều nằm trong tầm tay. Tại Đại hội TDTT toàn quốc, Hà Nội đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 123 HCV, 80 HCB, 87 HCĐ, bỏ xa đoàn TP Hồ Chí Minh xếp thứ hai tới... 42 HCV (TP Hồ Chí Minh đang có 81 HCV, 72 HCB, 89 HCĐ). Với khoảng cách hiện tại, Hà Nội cầm chắc ngôi đầu, nhất là khi phần lớn các môn còn lại đều là thế mạnh của Thủ đô như bắn cung, đua thuyền... Còn ở đấu trường ASIAD 16, trong danh sách 392 thành viên Đoàn TTVN dự đại hội, Hà Nội có đến 131 thành viên tham dự, chiếm tỷ lệ 33,4%, nhiều nhất so với các đơn vị tỉnh, thành, ngành được góp mặt. ASIAD 16 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 29-11. Các VĐV Thủ đô chắc sẽ góp công vào bảng thành tích chung của Đoàn TTVN với những gương mặt nổi bật như Nguyễn Hoàng Ngân (biểu diễn quyền - karatedo), Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ)...
Phong trào rộng khắp
Cùng với sự phát triển của thể thao đỉnh cao, Thủ đô cũng đặc biệt chú trọng phát triển thể thao quần chúng với mục tiêu chiến lược là "tạo ra chuyển biến cơ bản và toàn diện, phát triển thể thao quần chúng rộng khắp, làm nền tảng nâng cao thể chất, sức khỏe toàn dân, tạo nếp sống rèn luyện thân thể thường xuyên, hình thành một thế hệ mới của con người Thủ đô vừa có nếp sống văn hóa, vừa có sức khỏe dồi dào, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của Thủ đô và đất nước trên đà phát triển và hội nhập". Những hoạt động phong phú và hấp dẫn như Giải chạy Báo Hànộimới, Liên hoan Võ thuật cổ truyền, biểu diễn đồng diễn trong các chương trình đêm hội khai mạc, bế mạc các sự kiện văn hóa - thể thao... đã phần nào thể hiện sự lớn mạnh của thể thao phong trào Thủ đô, sự giàu kinh nghiệm của những người làm thể thao Hà Nội trong việc tổ chức các chương trình quy mô, có sức hút với người dân.
Năm 2010, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội được khánh thành, gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây sẽ là địa điểm luyện tập, tổ chức các hoạt động thi đấu, biểu diễn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân; cũng là cơ sở đào tạo VĐV theo quy trình chuyên nghiệp, là tiền đề để thể thao Thủ đô tiếp đà hội nhập, thực hiện thành công các mục tiêu mới trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.