(HNM) - Sau khi bảo vệ thành công ngôi vị nhất toàn đoàn Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7-2014 (gọi tắt là Đại hội 7) với ưu thế vượt trội, trong năm 2015, Thể thao Thủ đô tiếp tục khởi động chu kỳ mới, chuẩn bị lực lượng dài hơi cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8-2018 tại An Giang.
Phạm Phước Hưng, một trong số các vận động viên trẻ, tài năng của thể thao Hà Nội. Ảnh: Minh Hoàng |
Tại Đại hội 7, Đoàn thể thao Hà Nội giành tổng cộng 223 HCV, 118 HCB, 137 HCĐ,vượt trội so với đoàn xếp thứ nhì là TP Hồ Chí Minh (150 HCV, 103 HCB, 104 HCĐ) và Đoàn Quân đội xếp thứ ba (75 HCV, 54 HCB, 91 HCĐ). Nhưng, trong số 223 HCV của Hà Nội tại bảng tổng sắp có đến 56 HCV là thuộc diện "quy đổi" từ 22 HCV SEA Games 27-2013 và 1 HCV, 4 HCB, 11 HCĐ ASIAD 17 (cá nhân và tập thể). Cụ thể: Nhằm khuyến khích các địa phương đầu tư phát triển cho các VĐV đỉnh cao thực hiện nhiệm vụ của đội tuyển quốc gia tại các giải đấu quốc tế, Điều lệ quy định quy đổi huy chương ASIAD và HCV SEA Games thành huy chương Đại hội theo mức tương ứng 1 HCV ASIAD = 3 HCV, 1 HCB ASIAD = 2 HCV, 1 HCĐ ASIAD hoặc 1 HCV SEA Games = 1 HCV Đại hội. Đối với nội dung thi đấu đồng đội hay môn tập thể, BTC cộng thêm HCV "ưu tiên".
Dù chưa ban hành chính thức Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8-2018 nhưng Bộ VH,TT&DL đã thống nhất chủ trương thu hẹp quy mô tổ chức, giảm số lượng các môn thể thao tại Đại hội 8 theo hướng tập trung vào các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Trong chu kỳ mới này, ngoài hệ thống các giải đấu vô địch quốc gia hằng năm, thể thao Thủ đô sẽ trải qua những "đợt thử lửa" quan trọng về lực lượng và trình độ tại các đại hội thể thao quốc tế lớn, bao gồm SEA Games 28-2015, Olympic 31-2016, SEA Games 29-2017 và ASIAD 18-2018. Một khi có nhiều đại diện góp mặt tại các đội tuyển quốc gia tham dự và giành được huy chương tại các kỳ đại hội kể trên, thể thao Hà Nội sẽ có cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu bảo vệ ngôi vị số 1 toàn quốc.
Tuy nhiên, chưa nói đến ASIAD và Olympic, chỉ xét riêng đấu trường SEA Games 28 thì việc giành thành tích cao cũng đã rất khó khăn. Thứ nhất, BTC nước chủ nhà Singapore tổ chức thi đấu sớm hơn 6 tháng so với các kỳ đại hội trước (tháng 6, thay vì tháng 12 như thông lệ), khiến thời gian chuẩn bị lực lượng, tổ chức tập huấn cho VĐV gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, do không có Làng VĐV nên BTC bố trí các đội ở khách sạn theo từng môn đấu, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo đoàn cũng như công tác điều hành, phối hợp chỉ đạo thi đấu. Thứ ba, quan trọng nhất, rất nhiều môn, nội dung thi đấu thế mạnh của thể thao Việt Nam (TTVN) nói chung và đặc biệt là Hà Nội nói riêng bị cắt giảm ở kỳ SEA Games này. Đơn cử như môn vật - môn thể thao mà các VĐV Hà Nội đã góp gần chục HCV cho TTVN tại SEA Games 27. Bên cạnh đó là các môn cử tạ, cờ vua, bóng đá nữ, vovinam, một số nội dung của bắn súng… Dẫu sao, với vị thế của đơn vị dẫn đầu thể thao cả nước, Hà Nội vẫn mạnh dạn đặt ra những mục tiêu lớn, trước mắt là phấn đấu giành 15 HCV SEA Games 28 - 2016 và có VĐV đoạt huy chương Olympic 31-2016. Để hoàn thành những mục tiêu ấy, trọng điểm đầu tư sẽ được dồn cho những môn thế mạnh như điền kinh, thể dục dụng cụ, đua thuyền canoeing - rowing, taekwondo, judo, đấu kiếm, cầu mây, bóng ném, boxing, xe đạp, bóng bàn, bắn súng - bắn cung… Đặc biệt, với đích nhắm Olympic, những VĐV như Phước Hưng, Đinh Phương Thành (TDDC), Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và một số gương mặt xuất sắc của bắn súng, đua thuyền, các môn võ rất cần có sự đầu tư đặc biệt và dài hạn.
Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu ý là trong nhóm các môn cơ bản, lực lượng VĐV đỉnh cao của môn bơi ở Hà Nội thực sự đang rất thiếu hụt, đòi hỏi có sự đột biến và quyết liệt hơn trong tuyển chọn tài năng và luyện "gà nòi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.