Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao Hà Nội: Giữ nhịp phát triển

Minh Hà| 19/01/2023 12:54

(HNMCT) - Sau một năm 2022 khá thành công, thể thao Hà Nội tiếp tục chuẩn bị cho các mục tiêu trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Trả lời phỏng vấn của Hànộimới Cuối tuần, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục, Thể thao (TDTT) Hà Nội Đào Quốc Thắng bày tỏ hy vọng rằng, ngành Thể thao Thủ đô sẽ nỗ lực giữ nhịp phát triển, tạo nhiều “trái ngọt” trong thời gian tới.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng trao giải cho các vận động viên đoạt huy chương môn vật tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ảnh: Minh Quang

- Trong những dấu ấn của thể thao Hà Nội năm 2022, điều gì làm ông hài lòng nhất?

- Có lẽ đó là nỗ lực vượt khó của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) Hà Nội. Tất cả đã cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn kể cả khách quan và chủ quan để đạt được kết quả cao nhất có thể. Trong đó, dễ thấy nhất là tất cả đều nhanh chóng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, nhiều VĐV Hà Nội đã không về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình mà ở lại địa điểm tập huấn, trong đó có địa điểm tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, để tập luyện kết hợp phòng, chống dịch. Kế hoạch tập huấn ở nước ngoài, vốn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh của thể thao thành tích cao Hà Nội, cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhiều đội phải tập huấn ở trong nước.

Vừa phải thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhưng nhờ có kế hoạch, giải pháp cụ thể, linh hoạt, hợp lý và đặc biệt là sự chung sức đồng lòng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, HLV, VĐV đã giúp thể thao thành tích cao Hà Nội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Trong đó, nổi bật nhất là hoàn thành chỉ tiêu đóng góp tối thiểu 30% trong tổng số HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 (Hà Nội đóng góp 62 HCV, 35 HCB, 54 HCĐ trên tổng số 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ của đoàn Việt Nam).

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, các VĐV Hà Nội đã giành 175 HCV, 143 HCB, 157 HCĐ, qua đó bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn, khẳng định vị thế hàng đầu cả nước của thể thao Thủ đô. Cuối năm ngoái, 3 VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội lọt vào danh sách 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2022... Những thành tích đó có được là nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, HLV, VĐV Hà Nội.

- Mặc dù có không ít "trái ngọt", song dường như ông còn muốn thấy nhiều hơn ở thể thao thành tích cao Hà Nội?

- Nhìn vào hành trình 2022, điều đáng tiếc là sức bật ở một số môn có tên trong chương trình thi đấu Olympic vẫn chưa đáng kể, lực lượng VĐV chưa đủ dày dặn để có thể tranh chấp sòng phẳng HCV ngay ở Đại hội Thể thao toàn quốc với các đoàn khác. Đây là vấn đề đã được làm rõ trong các cuộc họp rút kinh nghiệm ngay sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Điều mà chúng tôi muốn thấy trong năm mới 2023 là một sức bật rõ ràng hơn.

- Năm 2023, như chia sẻ của lãnh đạo ngành TDTT, Việt Nam sẽ tập trung vào hai sân chơi chính là SEA Games 32 và ASIAD 19. Vậy, mục tiêu cụ thể của thể thao Hà Nội là gì, thưa ông?

- Mục tiêu của thể thao Hà Nội không thể tách rời mục tiêu của ngành Thể thao Việt Nam. Năm 2023, thể thao Hà Nội đặt mục tiêu đóng góp khoảng 30% lực lượng VĐV và số lượng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 (Trung Quốc); trên 30% lực lượng HLV, VĐV và tổng số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 (Campuchia).

- Ngoài hai giải đấu quan trọng nói trên, hoạt động của thể thao Hà Nội còn điều gì đáng chú ý?

- Năm 2023, thể thao Hà Nội còn phải hỗ trợ tối đa cho VĐV Hà Nội trong đội tuyển quốc gia tại các cuộc thi đấu giành vé dự Olympic 2024. Bên cạnh đó là xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho các sân chơi quốc gia nhằm giữ vị thế hàng đầu cả nước.

Hiện tại, thể thao Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.200 VĐV tuyến đội tuyển Hà Nội, trong đó có khoảng 200 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trên 150 HLV tài năng, trong đó có trên 20 HLV cao cấp. Đó là nhiệm vụ quan trọng của thể thao Hà Nội bởi nếu lơi lỏng thì sẽ khó giữ được vị thế hiện nay cũng như khó đạt mục tiêu mà thể thao Hà Nội chưa từng với tới, đó là có VĐV giành huy chương ở đấu trường Olympic.

- Như vậy là khối lượng công việc nhiều, không đơn giản. Liệu có khó khăn gì trong việc hoàn thành mục tiêu đó, thưa ông?

- Tuyển chọn VĐV và giúp họ có môi trường tập luyện để phát huy tối đa khả năng chưa bao giờ là việc đơn giản. Nhiều bộ môn đang gặp khó khăn trong việc tuyển VĐV năng khiếu và một số đã phải mở rộng vùng tuyển chọn. Đó là chưa kể một số vấn đề khác cần được giải quyết sớm. Như loại bỏ sự bất cập trong thực hiện chế độ đối với VĐV trọng điểm của Hà Nội; khắc phục tình trạng một số công trình nhà ở phục vụ sinh hoạt, ăn, ở cho VĐV đã xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu thiếu sự đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Định mức chi ngân sách nhà nước cho hoạt động TDTT tuy được cải thiện nhưng vẫn thấp so với nhu cầu, nên việc đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn. Không kể, việc phụ thuộc phần lớn vào nguồn ngân sách của thành phố khiến thể thao Hà Nội chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh chóng trong giai đoạn mới.

- Sẽ cần những giải pháp gì để thể thao Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững?

- Để duy trì và giữ vững vị trí đứng đầu về thể thao thành tích cao trong cả nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của thể thao thành tích cao Thủ đô trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được nêu trong Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12-11-2020 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 325/KH-UBND ngày 30-12-2021 của UBND thành phố Hà Nội về đào tạo HLV, VĐV thành tích cao, trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất hiện có, mua sắm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ việc tập luyện, thi đấu.

Ngoài ra, cần tạo sự đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là y học thể thao vào công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi đấu đối với VĐV thể thao trọng điểm xuất sắc. Cũng cần duy trì và tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế với các liên đoàn, hiệp hội thể thao của các quốc gia có nền thể thao phát triển hàng đầu thế giới để hỗ trợ tối đa việc tập huấn, thi đấu quốc tế của VĐV, thuê chuyên gia nước ngoài... Một việc khác cũng cần được đẩy mạnh, đó là xã hội hóa hoạt động thể thao nhằm tận dụng các nguồn lực xã hội trong việc phát triển TDTT, đặc biệt là thể thao thành tích cao.

Thực tế, từ trước tới nay chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Thành ủy, UBND, HĐND, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội. Như trong thời gian tới, khu nhà ở của VĐV sẽ được sửa chữa để các em có điều kiện tập luyện, nghỉ ngơi tốt hơn. Tôi tin rằng, với sự tạo điều kiện của Thành phố cùng việc huy động nguồn lực xã hội hóa ở một số môn nhằm hỗ trợ HLV, VĐV trọng điểm, thể thao thành tích cao Hà Nội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Hà Nội: Giữ nhịp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.