(HNM) - Chiều 14-7, ông Hùng được người bạn lái xe đưa đi dạo phố. Sắp đến giờ tan tầm, đường phố đông dần. Hòa trong dòng phương tiện trên đường Nguyễn Thái Học, chiếc Sedan 4 chỗ đang bon bon bỗng đi chậm lại rồi dừng hẳn.
Ngồi bên ghế phụ, ông Hùng quay sang hỏi bạn:
- Sao đang đi lại dừng thế?
Người bạn lái xe tên Thắng mỉm cười:
- Có người đi bộ sang đường anh ạ.
Nhìn lên, ông Hùng thấy một tốp khách du lịch người nước ngoài từ Bảo tàng Mỹ thuật ra vừa bước xuống lòng đường, nơi có vạch dành riêng cho người đi bộ. Thấy Thắng thò đầu qua cửa kính, khoát tay ra hiệu, tốp khách nọ mạnh dạn sang đường, nhiều người trong số họ quay sang mỉm cười thân thiện, luôn miệng "Thank you".
Ông Hùng trách bạn:
- Cậu có nhiêu khê không đấy, mình đủ thời gian vượt qua họ một cách an toàn mà…
Ông Thắng phân trần:
- Mấy năm trước, tôi có dịp đến thành phố Roma thủ đô nước Italia. Đường phố bên ấy sạch sẽ, thoáng đãng, không ồn ào hỗn loạn như ở ta. Một lần tôi gặp tình huống tương tự, mình vừa xuống đường được vài bước thì có xe ô tô từ xa tới. Tôi đã đứng lại chờ cái ô tô chạy qua thì đi tiếp. Không ngờ chiếc xe đến gần thì dừng lại, người lái hạ cửa kính, ra hiệu mời mình đi dù không có vạch dành riêng cho người đi bộ. Từ đó tôi cứ nghĩ, luật giao thông ở quốc gia nào cũng có những nét giống nhau, là kết tinh nhiều giá trị văn minh của nhân loại trên quá trình phát triển. Trình độ văn minh của một địa phương, một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào ý thức và khả năng thẩm thấu những giá trị văn minh, tiến bộ ấy của mỗi cá nhân. Người tham gia giao thông ở ta thường hay vội, muốn giành đường đi trước nên vô tình tạo nên sự hỗn độn trên đường, cũng là vi phạm luật giao thông.
Nghe bạn nói, ông Hùng chợt thấy ân hận...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.