Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế kẹt của Paris

Quỳnh Chi| 30/10/2010 08:09

(HNM) - Đà phục hồi kinh tế mong manh của nước Pháp đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng biểu tình và đình công triền miên, làm tê liệt nhiều ngành sản xuất, bao gồm cả những ngành công nghiệp mũi nhọn.


Hoạt động của ngành đường sắt ở Pháp bị đình trệ do các cuộc đình công.


Căng thẳng càng có chiều hướng gia tăng sau khi Quốc hội chính thức thông qua phiên bản cuối cùng của Dự luật Cải cách chế độ hưu trí với 336 phiếu thuận, 223 phiếu chống vào tối 27-7 (giờ Việt Nam). Đây được coi là một thắng lợi trong “dự án hiện đại hóa nước Pháp” của Tổng thống Nicolas Sarkozy - một đòn bẩy cho chiến lược tái tranh cử năm 2012 tới. Về khía cạnh kinh tế, cuộc cải cách này là chìa khóa quan trọng giúp quốc gia hình lục lăng đạt được mục đích dành ra 100 tỷ euro để lấp vào “lỗ thủng” ngân sách lên tới 8,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP), đồng thời, giảm nhẹ gánh nợ công lên tới gần 1.500 tỷ euro, tương đương với hơn 82% GDP. Như vậy, mỗi người dân Pháp đang phải “cõng” trên lưng một khoản nợ chừng 25.000 euro.

Tuy nhiên, diễn biến tại đất nước hơn 62 triệu dân này những ngày qua đang có nguy cơ làm chệch hướng mọi mục tiêu của Tổng thống N. Sarkozy và khiến lộ trình trở thành chủ nhân Điện Elisée thêm một nhiệm kỳ nữa của ông trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất đăng trên tờ Journal du Dimanche cho thấy số người ủng hộ “công dân số 1” nước Pháp chỉ còn 29% - mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống N.Sarkozy nhậm chức năm 2007. Đây cũng là mức ủng hộ thấp nhất dành cho một Tổng thống Pháp trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, làn sóng đình công và biểu tình của người lao động nhằm chống lại dự luật gây tranh cãi trên đã làm nước Pháp tiêu tốn khoảng từ 200 triệu đến 400 triệu euro mỗi ngày và tổng số tiền thiệt hại trong vòng hơn một tháng qua ước tính từ 2,15 tỷ đến 5 tỷ USD - cái giá khá đắt cho một cuộc cải cách. Đó là còn chưa kể đến những cuộc đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình được phát sóng trên toàn thế giới đang dần hủy hoại hình ảnh tốt đẹp trước đây của nước Pháp với Paris hoa lệ.

Không dừng lại ở đó, ngày 28-10, khi 8/12 nhà máy lọc dầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đình công, nhiều chuyến bay chưa được nối lại, hàng chục nghìn tấn rác vẫn còn tràn ngập khắp các đường phố ở Marseilles, các nghiệp đoàn lại tiếp tục kêu gọi lực lượng lao động tham gia đình công, biểu tình trong ngày hành động lần thứ bảy kể từ đầu tháng 9 đến nay. Theo con số thống kê của các tổ chức công đoàn, khoảng 2 triệu người đã “xuống đường” lần này. Các hãng hàng không phải hủy 30-50% chuyến bay và hoạt động của nhiều ga tàu hỏa tiếp tục bị gián đoạn. Các đợt phản kháng mới sẽ kéo dài đến giữa tháng 11 - thời điểm dự luật được Tổng thống Nicolas Sarkozy chính thức ký ban hành.

Nhìn chung, những gì đang diễn ra tại Pháp hiện nay không khác mấy so với các cuộc đình công năm 1995 nhằm phản đối những chính sách cải tổ hệ thống phúc lợi nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 5% GDP xuống 3%. Khi đó, đình công cũng làm nước Pháp gần như tê liệt, gây tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Cuối cùng sức ép từ đường phố cũng đã buộc chính phủ nhượng bộ.

Với người Pháp, những cuộc đình công và biểu tình không đơn thuần là việc đòi quyền lợi hay cản trở quy định nghỉ hưu muộn hơn hai năm. Nói cách khác, người Pháp không phải lười biếng hay phi logic. Người biểu tình xem đề xuất cải cách chế độ hưu trí của chính phủ như một cái ngưỡng, nếu bị vượt qua sẽ xói mòn “niềm tự hào” của đất nước trong suốt 150 năm qua. Chính vì vậy, ngay cả khi kế hoạch cải cách hưu trí đã thành luật, làn sóng biểu tình chưa chắc đã dừng lại. Xem ra, Tổng thống N.Sarkozy khó lòng “tiến lên phía trước” với một chính sách mà số người phản đối chiếm tới 3/4 dân số. Thế nhưng, nếu không thực hiện chính sách này, Paris cũng “khó ăn khó nói” với EU khi tốc độ thâm thủng ngân sách ngày càng phi mã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế kẹt của Paris

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.