(HNM) - Thực tế tố tụng những năm qua, hầu hết bị can, bị cáo đều bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam dẫn đến tình trạng quá tải ở các trại tạm giam và trong một số trường hợp, quyền nhân thân của con người bị xâm phạm.
Bởi vậy, việc Bộ Tư pháp xây dựng và công khai lấy ý kiến về dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam (theo điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự) đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Luật sư Trần Thị Gấm (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Nên quy định song song với biện pháp bảo lãnh
Biện pháp "bảo lãnh" được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự là biện pháp thay thế tạm giam thể hiện sự văn minh, tính nhân đạo, đồng thời giảm tải rất nhiều về nhân lực, kinh phí cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam, có thể bảo đảm quyền nhân thân của con người, tránh cho những người có nhân thân tốt phải chịu áp lực tạm giam chung với tội phạm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn và đưa vào áp dụng biện pháp đặt tiền và tài sản có giá trị thì đối với những trường hợp bị can, bị cáo có đủ các tiêu chí như phạm tội không nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, không có tiền án, tiền sự, không có dấu hiệu bỏ trốn… nhưng gia cảnh lại khó khăn, hoặc ở vùng sâu, vùng xa… thì cần phải cho họ được áp dụng biện pháp "bảo lãnh". Có như vậy mới bảo đảm công bằng xã hội, bởi mặt bằng kinh tế của nước ta còn chưa đồng đều, số địa phương và gia đình thuộc diện khó khăn còn lớn.
Luật sư Trương Thu Hà (Công ty Luật Basico):
Khó tránh khỏi việc áp dụng thiếu đồng nhất
Theo dự thảo thông tư, các tiêu chí để xem xét, quyết định một bị can, bị cáo có đủ tiêu chuẩn được áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản để thay thế tạm giam hay không phụ thuộc khá nhiều vào đánh giá chủ quan của cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án. Ví dụ như thế nào là "bị cáo ăn năn, hối lỗi" hoặc "căn cứ để tin rằng bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập hoặc không tiêu hủy, che giấu chứng cứ, có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố…". Tất cả tiêu chí này không thể đo đếm cụ thể mà chỉ có thể áp dụng bằng khả năng đánh giá bằng kinh nghiệm, năng lực của cán bộ tố tụng.
Nhưng nhìn chung, để thể hiện sự văn minh và tính nhân văn của pháp luật, các biện pháp thay thế tạm giam cần được áp dụng theo hướng mở rộng.
Ông Vũ Dũng (Viện Thiết kế nhà ở, Bộ Xây dựng):
Dự liệu phòng, tránh tiêu cực trong áp dụng
Trong khi nạn hối lộ, "chạy" án còn đang là vấn đề nổi cộm trong công tác xét xử thì việc cơ quan pháp luật đưa ra văn bản hướng dẫn nhằm đẩy mạnh áp dụng một biện pháp sử dụng tiền và tài sản một cách công khai trong quá trình tố tụng. Có thể coi đây là biện pháp tích cực để những người có điều kiện có thể dùng tiền để được tại ngoại, tự do thuê luật sư bảo vệ mình trước cơ quan tố tụng, trước hình phạt khắc nghiệt mà họ có thể gánh chịu do hành vi phạm pháp của mình gây ra. Khi đã được tự do bảo vệ mình rồi mà vẫn bị áp dụng hình phạt của pháp luật, họ sẽ tâm phục khẩu phục. Như vậy sẽ giảm nạn chạy án. Nhưng để tránh tình trạng những người không đủ tiêu chí nhưng vẫn chạy tiền để được áp dụng biện pháp tại ngoại, sau đó bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, đòi hỏi phải có quy định kiểm soát thật chặt chẽ.
Ông Bùi Việt Đức (ngõ 90 Hoa Bằng, phường Yên Hòa, Cầu Giấy):
Biện pháp tố tụng văn minh
Đây là biện pháp tố tụng đã được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, chứng tỏ sự văn minh và hợp thời đại của nó. Bởi vậy, việc áp dụng ở nước ta cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, do hệ thống quy định pháp luật của ta chưa đồng bộ, nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan tố tụng của ta chưa bảo đảm chất lượng nên việc áp dụng biện pháp này sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực như hối lộ, cửa quyền…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.