(HNM) - "Gia phả +" là triển lãm tranh của hoạ sĩ Trần Hoàng Sơn đang được trưng bày tại Art Việt Nam Gallery (số 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội). Vượt ra ngoài ý nghĩa của một triển lãm tranh chân dung, "Gia phả +" còn là cách nhìn về tính ổn định trong mối quan hệ của những cộng đồng người.
Một tác phẩm trong triển lãm “Gia phả +” của họa sĩ Trần Hoàng Sơn. |
Gần 40 bức tranh tại triển lãm là những chân dung người thật, việc thật chỉ với một phương trực diện giống một bức ảnh chân dung. Miệt mài sáng tác trong 2 năm, những tác phẩm này được chia làm 3 chương treo ở 3 phòng tranh khác nhau. Ở chương 1 - Gia phả - của triển lãm, Trần Hoàng Sơn đã lập chính gia phả của gia đình mình bằng tranh. 17 nhân vật là ông, bà, bố mẹ, anh, chị em, con cháu trong gia đình họa sĩ. Cách sắp xếp sáng tạo của phòng tranh tạo hiệu quả đáng kể, khi chân dung người nhiều tuổi nhất (đã qua đời) được treo ở vị trí trung tâm cuối phòng tranh. Những nhân vật theo thứ bậc huyết thống trong gia đình từ đó mà xếp kéo gần lại với người xem, tạo cảm giác về sự kế thừa. Sự sắp xếp ấy cũng tạo cảm giác về mối quan hệ bền vững, ổn định trong cộng đồng là gia đình. Ở chương 2, tác giả vẽ những người bạn hữu, người thầy… của mình. Có thể nhận ra ở đây chân dung của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, Trần Hậu Yên Thế hay Lê Quốc Việt… Chương "Làng" là 13 bức chân dung vẽ những người ở làng quê, hầu hết là những cụ ông, cụ bà, được phóng tác dưới cành tre như biểu thị cuộc sống gắn bó với lũy tre làng của họ.
Ở chương "Gia phả", người xem ngay lập tức muốn tìm về nguồn cội của mình, lật lại từng trang, từng nhánh cây phả hệ của gia đình mình để hiểu về gốc gác, tổ tiên và những mối quan hệ huyết thống bền chặt. Trái lại, chân dung những người bạn của Trần Hoàng Sơn lại vẽ nên bức tranh thiếu ổn định trong cộng đồng - những người thoát ly, ở đô thị. Họa sĩ lý giải rằng, những người ra đi từ làng sẽ cộng thêm những mối quan hệ mới, còn mối quan hệ của họ với những người cũ sẽ bớt phần ổn định. Nghĩa là thêm một dấu cộng chỗ này, thì sẽ có dấu trừ trong những mối quan hệ khác. Cuối cùng, con người lại quay trở về làng, trở về quê hương để xác nhận lại nguồn gốc tổ tiên, gia đình mình.
Trần Hoàng Sơn trước nay được biết đến với rất nhiều triển lãm trong và ngoài nước về tranh sơn mài truyền thống. Nhưng đến "Gia phả +", anh dùng màu tự nhiên vẽ chân dung trên giấy dó. Anh cho biết, mình không muốn bó khuôn vào một chất liệu. Mà vẽ chân dung cần những nét tỷ mỉ mà tranh sơn mài truyền thống khó thể hiện được. Anh không "chụp" lại những khuôn mặt người. Mỗi chân dung ở đây đều là tìm tòi để thể hiện đặc trưng của một kiểu người, lớp người sống trong những cộng đồng khác nhau. Cũng trong "Làng", một cụ bà với áo nâu, khuôn mặt xương thô gợi tới người nông dân lam lũ, cả đời gắn với đồng ruộng; một cụ bà khác với áo nhung, vòng ngọc trai là điển hình cho những phụ nữ gia đình có của ăn, của để… Ở phần "Gia phả", một bé trai điển hình với khuôn mặt mũm mĩm, đeo khăn quàng đỏ, xung quanh là robot, siêu nhân. Một người đàn ông với cặp kính cận trí thức, được bao ngoài là hoa trạng nguyên cho thấy đấy người học hành khoa cử…
Xem "Gia phả +" cũng giống như vừa chứng kiến một hành trình của con người với những thay đổi trong quan hệ với cộng đồng sống. Mỗi chúng ta đều có quan hệ gắn bó bền chặt là gia đình, có những dấu cộng, dấu trừ của sự ổn định. Sự trở về làng, quê hương, tìm về tổ tiên cũng là hành trình hướng tới sự ổn định trong cộng đồng, xác lập sự tồn tại của chính bản thân mỗi người.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18-3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.