(HNM) - Thế giới sẽ chào đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn chuẩn bị để người dân được đón xuân với tâm thế "bình thường mới". Dẫu hoạt động vui xuân, đón Tết có phần trầm lắng hơn mọi năm nhưng đây là dịp để thế giới chứng tỏ quyết tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Tại Trung Quốc, trong bối cảnh các ca lây nhiễm đang tăng trở lại, cơ quan y tế lo ngại quá trình "xuân vận" (hành trình về quê ăn Tết) của hàng triệu người dân sẽ khiến công tác kiểm soát dịch gặp nhiều trở ngại. Để hạn chế dịch lây lan, năm nay chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới kêu gọi mọi người "ăn Tết tại chỗ", tránh du lịch trong dịp năm mới.
Để bảo đảm dịp Tết năm nay vẫn vui, an toàn, chính quyền các thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân. Một số thành phố miễn phí các điểm tham quan, phân phối trợ cấp cho những lao động nhập cư ở lại trong kỳ nghỉ. Các nhà mạng ưu đãi dịch vụ viễn thông để người dân liên lạc với gia đình, người thân, trong khi nhiều doanh nghiệp chuẩn bị chỗ ở cho những lao động không về quê.
Tại Mỹ, hàng loạt hoạt động lễ hội mừng năm mới theo truyền thống của người dân một số nước châu Á được chuyển qua hình thức trực tuyến, đặc biệt là tại các điểm nóng về dịch trong đó có thành phố New York. Tại đây, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như múa rối tay, múa dân gian truyền thống, biểu diễn chế biến các món ăn Tết truyền thống... đều sẽ truyền tải qua mạng internet.
Tương tự, Australia cũng hủy bỏ, thu nhỏ hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến đối với nhiều sự kiện chào năm mới do đại dịch. Điển hình là thành phố Sydney, nơi thường thu hút hơn 1,5 triệu du khách mỗi dịp Tết Nguyên đán, cũng hủy hoặc thu hẹp nhiều sự kiện như: Chợ đêm, phố đèn lồng, triển lãm và biểu diễn văn hóa...
Thành phố Melbourne lần đầu tiên kể từ năm 1979 quyết định hủy bỏ cuộc diễu hành thường niên quy mô lớn Millenium Dragon qua khu phố người Hoa do lo ngại dịch Covid-19. Thành phố này vẫn cho phép tổ chức lễ hội mừng năm mới từ ngày 11 đến 14-2, bao gồm cả chương trình đếm ngược đêm giao thừa, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.
Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh các quy định về giãn cách xã hội được siết chặt đến hết kỳ nghỉ Tết, nhiều người dân chọn dịch vụ tận hưởng kỳ nghỉ sắp tới bằng những chuyến du lịch nội địa. Theo Hiệp hội Du lịch Jeju, tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn 5 sao trên hòn đảo nổi tiếng này đã tăng hơn 70% vào đầu tháng 2, trong khi lượng đặt vé máy bay vào những ngày sát giao thừa tại Hàn Quốc cũng tăng hơn 80%.
Tại Đông Nam Á, Malaysia gây bất ngờ khi nới lỏng quy định phòng dịch trước thềm giao thừa. Người dân nước này có thể tổ chức tiệc đoàn viên trong ngày 11-2, nhưng chỉ tối đa 15 người sống cách nhau trong phạm vi 10km và không đi lại liên quận hoặc liên bang. Các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng được tổ chức vào các ngày 11, 12 và 19-2 nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch.
Nước láng giềng Singapore cũng áp dụng bộ quy định phòng dịch riêng cho dịp lễ, trong đó yêu cầu mỗi gia đình chỉ được tiếp 8 khách khác nhau mỗi ngày. Các cá nhân phải hạn chế thăm viếng, chúc Tết và mỗi ngày chỉ thăm nhiều nhất là hai gia đình. Đồng thời, chính phủ các nước cũng khuyến khích người dân sử dụng tiền lì xì điện tử, số hóa các món quà Tết... nhằm tránh tập trung đông người, giảm tiếp xúc, hạn chế tối đa sự lây lan của đại dịch.
Có thể thấy, Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ là một cái Tết có nhiều khác lạ với nhiều người dân trên khắp thế giới. Tuy vậy, việc đón xuân trong tâm thế "bình thường mới" cũng là cách để thế giới thể hiện quyết tâm cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.