Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới sắp đón kỳ nguyệt thực toàn phần dài hiếm gặp

Theo Dân trí| 13/06/2011 16:30

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần đầu tiên của năm nay sẽ kéo dài khác thường, một “bữa tiệc” thiên nhiên hiếm hoi cho những người yêu thích thiên văn khắp thế giới.

Mặt trăng bị dần che khuất trong nguyệt thực toàn phần. (Ảnh minh hoạ)


Nếu điều kiện cho phép, người xem ở Đông Phi, Trung Á, Trung Đông và Tây Australia sẽ có thể nhìn thấy rõ từ khi bắt đầu cho tới lúc kết thúc. Tuy nhiên, những người yêu thích thiên văn tại Bắc Mỹ - bao gồm Mỹ và Canada - sẽ không được chứng kiến hiện tượng này vào ngày 15/6 tới.

Khoảng thời gian khi bóng của trái đất che phủ hoàn toàn mặt trăng - được gọi nguyệt thực toàn phần - sẽ kéo dài 100 phút. Lần cuối cùng, mặt trăng bị che phủ lâu như vậy là vào tháng 7/2000, khi Nguyệt thực kéo dài 107 phút.

Hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng chuyển dịch đến nửa phần trái đất không hướng về phía mặt trời. Khi đó mặt trăng, trái đất, mặt trời sẽ cùng hoặc gần cùng nằm trên một đường thẳng. Bóng tối của trái đất sẽ che khuất mặt trăng và xảy ra hiện tượng nguyệt thực.

Khi mặt trăng đi vào sâu hơn bóng của trái đất, mặt trăng sẽ dần dần thay đổi màu, chuyển từ bạc sang màu cam hoặc đỏ. Điều này là do một số ánh sáng mặt trời gián tiếp vẫn vươn tới mặt trăng sau khi đi qua bầu khí quyển của trái đất, vốn khuếch tán ánh sáng màu xanh. Chỉ những ánh sáng đỏ mới chạm tới mặt trăng, khiến nó có màu đỏ.

Rất khó để dự đoán màu chính xách của mặt trăng khi xảy ra nguyệt thực. Màu của nó phục thuộc vào bụi và mây trong bầu khí quyển khi xảy ra nguyệt thực.

Khi mặt trăng sẽ đi qua gần tâm của bóng tối của trái đất, giai đoạn nguyệt thực toàn phần sẽ kéo dài hơn thường lệ, Fred Espenak, chuyên gia nhật-nguyệt thực của NASA tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard ở Maryland, cho hay.

Toàn bộ kỳ nguyệt thịch sẽ kéo dài hơn 5 tiếng rưỡi. Những người quan sát tại châu Âu sẽ lỡ phần đầu của nguyệt thực do nó xảy ra trước khi mặt trăng mọc. Phía đông châu Á và phía đông Australia sẽ không xem được giai đoạn cuối, vốn xảy ra sau khi mặt trăng lặn. Các khu vực ở Nam Mỹ sẽ có thể có thể nhìn thấy mặt trăng bị che khuất hoàn toàn.

Không giống như nhật thực, người xem có thể quan sát nguyệt thực bằng mắt thường.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 10/12 với khu vực quan sát tốt nhất là châu Á và Australia. Mặt trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn trong 51 phút. Chỉ một số khu vực ở Mỹ, trong đó có Hawaii và tây bắc Thái Bình Dương, sẽ nhìn thấy hiện tượng này.

Phần còn lại của lục địa Mỹ sẽ phải đợi tới ngày 15/4/2014 mới được chứng kiến nguyệt thực toàn phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới sắp đón kỳ nguyệt thực toàn phần dài hiếm gặp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.