Đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã khiến các cảng vận chuyển ngũ cốc chủ chốt của Australia phải ngừng hoạt động, trong khi Mỹ cũng phát đi những dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong nước và toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm.
Tất cả những điều này đang thổi bùng lên những lo ngại về sự tăng vọt trong giá lương thực.
Giá ngô và đậu tương giao dịch kỳ hạn tại Chicago đã leo lên các mức cao nhất trong 29 tháng sau khi Chính phủ Mỹ hạ ước tính sản lượng các loại ngũ cốc này của Mỹ và Argentina, nơi mùa màng đang bị ảnh hưởng nặng bởi điều kiện thời khô nóng. Bên cạnh đó, những dự báo về việc lượng dự trữ ngũ cốc của Mỹ giảm cũng đẩy giá kỳ hạn các mặt hàng thịt gia súc và thịt lợn tại Chicago tăng cao.
Theo báo cáo công bố ngày 12/1, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết lượng dự trữ ngô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm, trong khi lượng dự trữ đậu tương cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ít nhất 35 năm, điều đang làm gia tăng sức ép lên giá lương thực trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, Australia - một trong bốn nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, cũng đã giảm ước tính về sản lượng cũng như khối lượng xuất khẩu lúa mỳ vào thời điểm thị trường chưa hết lo ngại triển vọng vụ lúa mỳ ở Mỹ. Đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử đã khiến cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn trên đảo Fisherman của bang Queensland phải ngừng hoạt động.
Mặc dù Queensland chỉ là bang xuất khẩu lúa mỳ nhỏ so với các bang khác của Australia, nhưng tình trạng đóng cửa hiện nay vẫn cho thấy những ảnh hưởng đối với mùa màng của cả nước, do mưa lớn đã làm giảm lượng ngũ cốc giàu protein, vốn rất được các thị trường lớn ưa chuộng.
Năm ngoái, giá lúa mỳ đã tăng 47%, trong khi giá ngô tăng hơn 50% và đậu tương tăng 34%. Trong báo cáo công bố hồi tuần trước, Tổ chức Nông-Lương của Liên hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 12/2010, đồng thời cảnh báo giá các mặt hàng ngũ cốc cơ bản có thể sẽ còn tăng nữa.
Hiện nay lạm phát giá lương thực đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách, khi mà người ta vẫn chưa quên "cơn ác mộng" của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, thời điểm giá lương thực leo thang đã làm bùng lên các cuộc bạo động tại nhiều nước, đẩy lạm phát tăng cao và trong nhiều trường hợp còn gây ra tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng. Hiện nay nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, đang phải đương đầu với tình trạng lạm phát lương thực hai con số.
Việc giá lương thực tăng cao tại các nền kinh tế tăng trưởng nhanh đang đặt ra nhiệm vụ cho các nhà quản lý tiền tệ phải kiềm chế lạm phát. Các nền kinh tế hàng đầu trong nhóm G20 đã cam kết sẽ hành động để đối phó với vấn đề này và nhiều nước cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát giá hoặc tăng nguồn cung lương thực để trấn an người tiêu dùng.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này cũng đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn cách ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh lở mồm long móng, nhân tố đang đẩy giá thịt tăng cao. Trong khi đó, Thái Lan cũng quyết định tăng lãi suất do áp lực lạm phát giá hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ không tái diễn.
Jonathan Anderson, người phụ trách các thị trường đang nổi của tập đoàn UBS, cho biết giá lương thực thế giới phải tăng thêm 50% mới có thể gây ra những tác động về lạm phát như cách đây 3 năm.
Theo ông, mặc dù các cú sốc về thời tiết đang làm gián đoạn nguồn cung lương thực, nó sẽ không xảy ra sự tăng vọt trong giá năng lượng và phân bón hay tình trạng đầu cơ tích trữ từng diễn ra trong năm 2008.
Ông nói: "Trong môi trường hiện nay, chừng nào sự gia tăng trong lạm phát giá lương thực toàn cầu còn được cho là một nhân tố tạm thời, và chừng nào chúng ta không lâm vào "thảm họa" giá lương thực năm 2008, chúng tôi tin rằng ngân hàng trung ương của các thị trường đang nổi sẽ không phải vội vã trong việc đưa ra các chính sách để ứng phó"./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.