(HNM) - Đồ gian là loại có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc là đồ vật do trộm, cắp, cướp giật mà có. Tìm đồ gian ở Hà Nội không khó, vì nó được bày bán khá công khai tại các sạp trên vỉa hè những tuyến phố như Khâm Thiên, Đê La Thành, ngã tư Hàng Bạc - Tạ Hiện… Đồ gian cũng thập cẩm, có khi chỉ là chiếc giày, đôi dép lừa lấy được của khách vãng lai đến cả chiếc xe máy...
Đi chợ… thập cẩm
Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 - người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết: "Đồ gian lưu thông trên đường phố nhiều, nhưng cơ quan chức năng không đủ người và phương tiện truy đuổi và bắt giữ". Ông Đoàn lấy ví dụ như trong vụ thanh niên đi xe máy BKS 30L6 - 6666 (tứ quý sáu) từng có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt CSGT và khẳng định, tại Hà Nội ít nhất có hơn chục chiếc xe đeo BKS như vậy mà duy nhất một BKS là thật. Cơ quan chức năng cũng xác định được BKS siêu đẹp của thanh niên trên là giả, trong quá trình điều tra chúng tôi cũng chứng kiến và chụp ảnh được một chiếc xe Honda Deaream và một chiếc Piagio Lybety đeo BKS này. Từ đó có thể thấy, phát hiện ra đồ gian giữa quang cảnh bát nháo của phố phường không hề dễ - ông Đoàn nói.
Xe máy và một số tang vật bị Công an quận Cầu Giấy thu giữ. Ảnh: Dương Hiệp |
Để thâm nhập những phiên chợ đồ gian này phải chờ vào thời điểm nhọ mặt người. Dưới ánh sáng vàng vọt hắt xuống từ ánh đèn đường đoạn ngã tư Láng Hạ đến qua cổng ĐHVH người ta thấy đủ loại từ hàng điện tử, giày da đến BKS xe máy... Phiên chợ chỉ bắt đầu họp lúc phố xá đã lên đèn và kết thúc muộn nhất khi đồng hồ đã nhích sang ngày hôm sau. Thường thì tắt nắng chiều là lúc xuất hiện những xe máy, xe đạp chằng buộc lỉnh kỉnh hàng hóa từ đâu kéo đến ngã tư này. Chẳng ai bảo ai, tất cả họ dựng xe trên vỉa hè và bày hàng hóa quây kín phố. Trên những tấm nilon hoặc bao tải, hàng hóa đủ thứ "thượng vàng hạ cám" được trưng bày.
Gọi là đi chợ nhưng có lẽ cũng giống như phần lớn những khách hàng khác đi xem để thỏa cái thú tò mò hơn là muốn mua một mặt hàng nào đó. Ở chợ này, "chiếu hàng" của Hoàng, quê ở Hải Phòng thu hút rất nhiều người đến xem cũng như tìm mua những thứ mình cần. Lý do vì Hoàng có nhiều món hàng "độc", nên dù dọn muộn hơn, nhưng lúc nào cũng đông người ghé xem. Khách hàng đủ mọi thành phần lứa tuổi chúi đầu xuống tấm nilon nhàu nhĩ mà lật lên lật xuống, vân vê ngắm nghía từng món đồ. Họ thoải mái xăm soi từ cái điều khiển tivi, vài chiếc tai nghe hiệu Sony đến một đống lỉnh kỉnh đài cát set cái chạy được cái không… Thỉnh thoảng có một vài bạn trẻ thích thú ré lên khoe với người bạn đi cùng khi tìm được một món đồ ưng ý.
Một điều nữa khiến hàng của Hoàng luôn hút khách bởi giá cả rất "dễ thở". Có những chiếc tai nghe Sony ông chủ bảo của "xịn" nhưng nói thách đến 20.000 đồng. Người mua sau một hồi ngắm nghía khoát tay trả giá 5.000 đồng, ông chủ lưỡng lự một lúc rồi cũng đồng ý bán. Nhìn những chiếc kính râm đủ loại được xếp thành hàng trên tấm vải, tôi tò mò ngó xuống xem. Và cũng chẳng biết sau này phải làm gì với cái kính chọn được cầm trên tay nhưng tôi vẫn hỏi: "Bao nhiêu tiền chiếc kính này?". Người bán hàng trả lời: "10 nghìn thôi!". Giá "chốt" cuối cùng là 5 nghìn cho một chiếc kính mà theo lời nhận xét của anh bạn đồng nghiệp là còn khá "mới" và hợp thời trang. Có lẽ chính vì điều ấy nên khách ghé vào chợ thuộc đủ mọi tầng lớp. Từ những dân văn phòng đạo mạo, người kinh doanh còn diện nguyên comple, cà vạt đến đám thanh niên choai choai đầu nhuộm xanh đỏ phóng xe máy từ đâu ào ào đến đều thoải mái mặc cả từ cái túi da mất khóa "chiến lợi phẩm" của một phi vụ "ăn bay" (cướp giật) trên phố, đến chiếc thắt lưng với đủ hình thù kỳ quái chôm được của một tay chơi đã say mềm... Ai cũng hiểu đây là một hình thức "biến tướng" của chợ giời chuyên thu mua đồ gian, đồ ăn cắp, ăn trộm, nhưng vẫn có nhiều người tìm đến khu chợ trên vì một lý do rất đơn giản: đi tìm chính món đồ mình vừa bị mất.
Những thương vụ không cần khế ước
Anh bạn tôi có chiếc BKS xe máy thuộc diện "siêu xấu" là 29... - 4953 chẳng may rơi mất. Nếu theo đúng quy trình xin cấp lại chiếc biển mang cung Tử là "49 chưa qua, 53 đã tới" này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian như phải đi tìm lại chính chủ chiếc xe máy, xin người ta vài chữ là cho tặng chiếc xe và photocopy chứng minh thư của chủ xe... để hoàn tất các thủ tục pháp lý với CSGT. Còn nếu đi làm BKS giả trên phố Trần Nhật Duật cũng bị các chủ hàng "săm soi" rất kỹ vì nghi ngờ CA hóa trang... nên theo lời khuyên anh đã tìm đến khu chợ trên. Trong bóng tối lờ mờ, chủ khách chả nhìn rõ được mặt nhau, sau khi nghe "khổ chủ" trình bày, chủ hàng gật đầu tắp lự hẹn "mai quay lại có hàng". Theo đúng lịch hẹn, tối hôm sau anh bạn tôi cũng tìm mua lại được đúng chiếc BKS của mình bằng một giá hời hơn so với mua tại chợ giời. Theo kinh nghiệm, dân chợ giời "cáo cụ" thường hét những mặt hàng trên rất sát giá. Còn ở khu chợ đồ này tính cạnh tranh cao nên giá cũng mềm hơn. Có điều lời lẽ và cách tiếp cận mua hàng cũng đòi hỏi theo tiêu chuẩn "kín đáo và tế nhị". Ở khu vực này có những lời đồn thổi "rất đáng tin". Như việc một tay chơi bị mất cặp gương siêu xe, lặn lội chợ giời mấy ngày bị từ chối vì hàng hóa "quá độc, quá khủng" đã tìm đến khu chợ trên đặt hàng. Vẫn với câu trả lời tưng tửng "mai hàng từ Hải Phòng mới lên", tay chơi này cuối cùng cũng tìm được "quý vật" khi bỏ ra một khoản tiền kha khá.
Những cái chợ họp trên vỉa hè không thiếu ở Hà Nội và cả những khu chợ bán đồ cũ về đêm có thể liệt kê ra cả một danh sách dài. Với nhiều người am hiểu, đây chỉ là "cơ sở" mới của dân bán đồ cũ trên đường chợ giời đổ về. Bị lấn sân bởi đám hàng giày dép da Phú Xuyên, đám buôn quần áo rẻ tiền, một số dân buôn bán đồ cũ, đồ "chôm" ở khu Đê La Thành đối diện với Trường Đại học Văn hóa đành tìm đến khu vực mới này để mở mang "lãnh địa". Chợ đêm nhộm nhoạm là vậy nên cũng không hiếm cảnh éo le. Hàng hóa bày bán tại đây chẳng cần kiểm chứng cũng biết mười mươi nguồn gốc là hàng cũ được gom góp lại từ đồng nát, cả của dân "đi bay". Và trong số đó cũng không thiếu mặt hàng được bọn trộm cắp, "dân nghiện" "chôm chỉa" mang ra đây bán. Ngoài những khách hàng đến chợ bị mất đồ và có nguy cơ bị mất đồ mà ngay cả người bán hàng có khi cũng "ngậm đắng" khi chính mình cũng bị "chôm" đồ. Chị Hoa, quê ở Phú Xuyên chỉ tay vào đống điện thoại cũ mới lổn nhổn kể: Chiếc điện thoại để bàn nhãn hiệu Nokia đời mới "ngon lành" khách hàng vừa nâng lên hạ xuống có vài lần đã bị mất ngay. Mất mà cũng chả dám kêu ai.
Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện nhốn nháo xảy ra ở khu chợ này. Anh Hoàng Hải Phương chủ cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Lê Thanh Nghị truyền kinh nghiệm: "Đi những chợ loại này điều cần thiết là phải huy động mọi giác quan để chọn, đánh giá đúng mặt hàng, đồng thời đề phòng kẻo bản thân bị mất trộm". Việc bị mất một vài món đồ trong một "buổi chợ" như thế đã thành quen đối với không ít chủ hàng hay khách mua khi lẫn trong những khách hàng vào xem còn có cả đám nghiện "dặt dẹo" từ phố ở bãi rác Thành Công mò sang.
Khu chợ đồ chôm chỉa xem ra "tiềm năng" phát triển còn lớn khi nguồn hàng không biết từ đâu ngày càng đổ nhiều về đây. Cứ tối tối chẳng hẹn mà gặp, khách và chủ hàng lại cùng rầm rì trao đổi với nhau những món đồ không đầu không cuối. Và vẫn có đấy những chiếc xe tuần tra của công an phường sở tại đi dẹp chợ. Nhưng mỗi khi thấy bóng chiếc xe ô tô tuần tra, đám chủ hàng lại vội vàng cuốn gọn những túi nilon vào và hàng hóa lại được bày ra khi chiếc xe tuần tra đi khỏi… Cứ thế, cả đá và ao bèo cùng tồn tại!
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.