Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới đảo lộn vì nắng nóng

Đình Hiệp| 09/07/2010 06:57

(HNM) - Mấy ngày qua, cuộc sống của người dân không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở hầu khắp các ngóc ngách từ châu Á đến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ... đều bị đảo lộn vì những đợt nắng nóng kỷ lục trong nhiều năm qua. Nhiệt độ có nơi lên đến 47 độ C, thậm chí đôi lúc còn cao hơn như biến thế giới thành

Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt nắng nóng khủng khiếp này. Thông báo của Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) cho biết, từ ngày 30-6 đến nay, nắng nóng xuất hiện tại ít nhất 16 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại khu vực phía nam nước này, với nhiệt độ trung bình trên 35 độ C khiến NMC phải nâng mức báo động về nắng nóng lên cấp da cam, mức báo động thứ hai. Với mức báo động này, người dân được khuyến cáo ở trong nhà vào buổi chiều và công nhân phải được làm việc dưới mái che để tránh say nắng. NMC dự báo nhiệt độ cao sẽ tiếp tục ở nhiều khu vực trong những ngày tới. Trước đó, một đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua đã đổ xuống Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của ngót 100 người dân.

Giữa lúc nền nhiệt độ cao đang bao trùm nhiều quốc gia châu Á, ở bên kia bán cầu, một loạt thành phố khu vực phía đông bắc nước Mỹ gồm New York, Philadelphia, thủ đô Washington DC cùng các bang như New Jersey, Maryland, Delaware cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự khi đợt nóng kỷ lục trong gần 30 năm qua xuất hiện. Ngày 8-7, miền đông nước Mỹ tiếp tục bị "nung" thêm một ngày nữa với nhiệt độ lên tới 38 độ C, khiến mọi hoạt động công cộng bị đình trệ và gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng. Cơ quan Thời tiết quốc gia của Mỹ (NWS) cho rằng, các đợt nắng nóng kéo dài từ 3 ngày trở lên và có nhiệt độ liên tục cao hơn 32°C là hiện tượng không bình thường tại các bang ở miền đông và ven biển nước Mỹ.

Tại châu Âu, tình hình cũng không khá hơn là bao khi nền nhiệt ở nhiều nước luôn ở mức trên 38 độ C, đặc biệt có nơi như Tây Ban Nha, nhiệt độ đôi lúc đến 40 độ C. Còn tại Nga - xứ sở của lạnh giá - nhiệt độ cũng ở mức kỷ lục là 37 độ C. Theo Bộ Các tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga, đã có tổng cộng 285 người chết đuối khi bơi ở các sông suối, hồ ao để tránh nóng. Với nền nhiệt trung bình vào ban ngày ở mức 37 độ C kéo dài suốt thời gian từ cuối tháng 6 đến nay, nắng nóng còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng ở Nga. Trong khi đó, người dân Pháp cũng đang phải vật lộn với cái nóng như thiêu đốt khi nhiệt độ xấp xỉ ngưỡng 35 độ C.

Những đợt nắng nóng gay gắt hoành hành không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp do hạn hán kéo dài, mà còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân ở nhiều nước trên thế giới.

Tình trạng thiếu điện, nước do nắng nóng càng làm cho nỗi khốn khổ của người dân tăng thêm. Nếu tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng tại các sông, ngòi tiếp tục diễn ra trong thời gian tới trên phạm vi rộng sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân nhiều nơi. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người thiệt mạng, nhưng nắng nóng đang là nguyên nhân bùng phát nhiều loại bệnh như tiêu chảy, cúm và các bệnh về da, đường hô hấp...

Trong lúc chờ những trận "mưa vàng", mỗi nước đều đưa ra những biện pháp chống nắng riêng. Để đối phó với nóng nực tiếp tục kéo dài, ngành điện lực một số địa phương của Trung Quốc đã phải điều chỉnh lịch cấp điện nhằm bảo đảm điện sinh hoạt cho người dân. Chính phủ Myanmar vừa quyết định dừng xuất khẩu gạo để bảo đảm nhu cầu trong nước do nắng nóng khiến sức sản xuất giảm. Trong khi đó, NWS khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước hoa quả, tránh ra đường trong lúc nắng gắt và luôn ý thức hỗ trợ người xung quanh trong đợt nắng nóng này...

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn nhiều nước, nắng nóng gay gắt còn kéo dài trong những ngày tới. Nắng lắm ắt sẽ dẫn đến mưa nhiều, lũ lớn. Đây là quy luật của thiên nhiên khiến nhiều quốc gia quan ngại về những trận lũ lụt lớn khi thời tiết đang diễn biến rất bất thường như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới đảo lộn vì nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.