Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới chung tay cứu trợ khẩn cấp

Đình Hiệp| 16/01/2010 04:41

(HNM) - Ngày 15-1, cộng đồng quốc tế tiếp tục đẩy mạnh công tác viện trợ khẩn cấp cho Haiti vượt qua thảm họa động đất kinh hoàng. Một loạt quốc gia như Áchentina, Braxin, Chilê, Pháp... đã gửi hàng trăm tấn hàng cứu trợ, gồm lương thực, nước uống, lều bạt, thuốc men và các trang thiết bị y tế cùng các nhóm cứu trợ tới Haiti bằng đường hàng không.

Ngày 15-1, cộng đồng quốc tế tiếp tục đẩy mạnh công tác viện trợ khẩn cấp cho Haiti vượt qua thảm họa động đất kinh hoàng. Một loạt quốc gia như Áchentina, Braxin, Chilê, Pháp... đã gửi hàng trăm tấn hàng cứu trợ, gồm lương thực, nước uống, lều bạt, thuốc men và các trang thiết bị y tế cùng các nhóm cứu trợ tới Haiti bằng đường hàng không. Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã cam kết dành khoản tiền viện trợ đầu tiên trị giá 100 triệu USD giúp Haiti khắc phục hậu quả trận động đất. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ đã có mặt tại Haiti để cung cấp dịch vụ cơ bản nhất, như nước và trợ giúp kỹ thuật cho hoạt động hậu cần.

Người chết và bị thương nằm rải rác khắp nơi.


Tổng thống Mêhicô Phêlipê Canđêrôn thông báo sẽ gửi khẩn cấp hơn 15 tấn lương thực và thực phẩm, 20 bác sỹ và chuyên gia cứu nạn trên ba máy bay trực thăng đến Haiti. Nam Phi cũng cử đội cứu trợ đến Haiti để tham gia cứu hộ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết hỗ trợ Haiti 100 triệu USD. Trong khi Điện Êlidê thông báo, Pháp, Mỹ cùng với Braxin, Canađa và các quốc gia liên quan sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế bàn về vấn đề tái thiết Haiti.

Tuy nhiên công tác cứu trợ cho Haiti đang gặp khó khăn. Theo yêu cầu của Haiti, toàn bộ các chuyến bay dân sự từ Mỹ tới Haiti đều bị hoãn do sân bay Poóctô Pranhxơ không đủ khả năng chứa thêm máy bay và không thể tiếp nhiên liệu do ảnh hưởng của trận động đất vừa qua. Chỉ các máy bay quân sự chở máy phát điện, thiết bị lọc nước và thiết bị y tế mới được ưu tiên hạ cánh. Có thời điểm 11 máy bay viện trợ đã phải bay lượn trên không mà không thể đáp xuống sân bay Poóctô Pranhxơ.

LHQ thông báo, số nhân viên của tổ chức này thiệt mạng trong trận động đất ở Haiti hiện đã lên tới con số 36, gần 200 nhân viên khác mất tích. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cho biết, Trưởng phái bộ LHQ tại Haiti Hêđi Annabi và cấp phó Luít Cáclốt đa Côxta nằm trong số gần 100 người vẫn bị chôn vùi trong tòa trụ sở 5 tầng đổ nát. Đây được coi là tổn thất lớn nhất của cơ quan đa phương này trong vài năm trở lại đây.

Liên quan tới con số thống kê thương vong, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) dẫn nguồn tin Chính phủ Haiti cho biết, tính đến ngày 15-1 đã có khoảng 40.000 đến 50.000 người thiệt mạng, 3 triệu người (chiếm 1/3 dân số Haiti) bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, ICRC thừa nhận số người thiệt mạng có thể còn tiếp tục tăng.

Hãng thông tấn Ria Novosti (Nga) ngày 15-1, dẫn lời Đại sứ Mêhicô tại Haiti Ê.Suarê cho biết, tình trạng vệ sinh tại khu vực động đất tại Haiti đang ở mức báo động do tình trạng thiếu điện, nước, nhiều xác chết đang phân hủy nằm la liệt khắp các khu phố của thủ đô Poóctô Pranhxơ. Tình trạng mất vệ sinh đang ngày càng trở nên nặng nề do Chính phủ không thể nào chôn cùng một lúc số người chết khổng lồ này.

Trong khi đó nhà chức trách Haiti và lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại nước này vừa phát hiện một điều kỳ lạ: không thấy bóng dáng của Cảnh sát Haiti trên vùng đổ nát. Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử 200 năm qua của Haiti chiều 12-1 dường như đã "xóa sổ" lực lượng cảnh sát ở quốc đảo nghèo đói này. Người phát ngôn của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Haiti Đavít Uym-hớt cho biết, có thể nhiều cảnh sát đã thiệt mạng trong trận động đất, trong khi những người sống sót cũng tất bật với việc tìm kiếm người thân của mình trong những đống đổ nát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới chung tay cứu trợ khẩn cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.