Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới chuẩn bị đón nhật thực hình khuyên

Hương Thu| 14/05/2012 16:18

Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội ngắm nhật thực hình khuyên vào đầu tuần tới và đây cũng là hiện tượng thiên văn nổi bật nhất trong năm. Tại Việt Nam người dân có thể quan sát hiện tượng nhật thực một phần.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu, vì thế mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời. Ảnh: Telegraph.


Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam cho biết, nhật thực hình khuyên xảy ra ngày 21/5. Khu vực mà người dân quan sát được hiện tượng này là một dải hẹp có bề rộng từ 240 đến 300 km, kéo dài từ bờ biển phía đông Trung Quốc đến phía nam Nhật Bản, qua Thái Bình Dương và kết thúc ở vùng phía tây nước Mỹ.

Điểm có thể quan sát được nhật thực cực đại nằm trên vùng biển Thái Bình Dương. Việt Nam tuy không nằm trong vùng quan sát nhật thực hình khuyên, nhưng người dân vẫn có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần nếu điều kiện thời tiết thuận lợi trong khoảng thời gian gần một tiếng ngay sau khi mặt trời mọc.

Lý giải hiện tượng này, Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM, cho hay, Việt Nam chỉ quan sát nhật thực một phần do khu vực của chúng ta chỉ nằm trong vùng nửa tối của bóng mặt trăng. Ngoài ra quá trình này diễn ra vào rạng sáng nên người quan sát tại Việt Nam sẽ chỉ quan sát được giai đoạn sau của hiện tượng.

Nhật thực một phần bắt đầu từ 3h56 theo giờ Việt Nam, còn pha hình khuyên bắt đầu lúc 5h06. Thời điểm Việt Nam quan sát được nhật thực một phần khi mặt trời mọc vào khoảng 5h17 tại Hà Nội và 5h30 ở TP HCM; và kết thúc khoảng 6h13 ở Hà Nội và 6h01 ở TP HCM khi mặt trời lên cao khoảng 10-12 độ.

Các chuyên gia khuyên người quan sát tại Việt Nam nên tận dụng thời cơ lần nhật thực hình khuyên sắp tới. Bởi phải đến 9/3/2016 người dân Việt Nam mới lại có thể quan sát hiện tượng trên lần nữa. Cũng theo ông Phường, nhật thực xảy ra lúc rạng đông nên người quan sát sẽ thấy mặt trời màu đỏ lửa và khá dịu mắt do ánh sáng phần lớn bị hấp thụ bởi khí quyển.

Ngoài ra, do ảo giác đánh lừa thị giác nên người xem sẽ thấy mặt trời to hơn so với khi nó ở trên đỉnh đầu. Bởi vậy, ngay trong thời khắc khi mặt trời mọc và ánh sáng còn dịu, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nhật thực bằng mắt thường. Song sau đó người xem phải sử dụng kính lọc chuyên dụng, hoặc các phương pháp quan sát truyền thống để quan sát nhật thực một phần. Nguyên nhân vì lúc này cường độ ánh sáng của mặt trời đã khá mạnh nên võng mạc có thể bị tổn thương.

Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu. Do đó mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời và hai vùng nửa tối tạo ra bởi mặt trăng sẽ mở rộng hơn so với khi nhật thực toàn phần, đồng thời xen phủ nhau tạo thành một vùng gọi là vùng bóng tối giả. Cư dân những vùng trên trái đất bị vùng bóng tối giả này quét qua sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, còn trong vùng nửa tối sẽ quan sát được nhật thực một phần.

Các cách quan sát nhật thực an toàn

Quan sát trực tiếp: Không sử dụng các phim lọc sáng không dùng cho mục đích thiên văn như phim X-quang, băng video, kính hơ khói, giấy gói quà v.v…để quan sát, các loại này có thể lọc được ánh sáng nhưng có thể sẽ không lọc được những tia hồng ngoại và tử ngoại sẽ làm tổn thương mắt của bạn.

Tuyệt đối không quan sát qua kính thiên văn, ống nhòm nếu không được gắn phim lọc mặt trời chuyên dụng. Tuyệt đối không được sử dụng các loại kính râm để quan sát nhật thực.

Các kính thiên văn và ống nhòm khi được bịt phim lọc mặt trời chuyên dụng ở đầu ống kính có thể sử dụng để quan sát nhật thực.

Quan sát gián tiếp bằng phương pháp dùng chậu nước pha mực: Sử dụng chậu nước pha mực đen và quan sát ảnh mặt trời trong chậu nước, có thể sử dụng một tấm kính để tăng độ phản xạ. Mực pha phải đảm bảo độ đen để quan sát không bị chói.

Quan sát gián tiếp bằng phương pháp quan sát qua màn chắn: Tạo một lỗ thủng nhỏ khoảng 1 mm trên một tấm bìa cứng hoặc một miếng thiếc, cho ánh nắng xuyên qua và quan sát ảnh của mặt trời xuyên qua lỗ thủng lên 1 tấm giấy trắng đặt ở dưới.

Đặng Tuấn Duy (HAAC)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới chuẩn bị đón nhật thực hình khuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.