Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẻ cào bị làm giả: Khách hàng chịu thiệt, nhà mạng tai tiếng

Việt Nga| 24/02/2014 06:50

(HNM) - Trong số hơn 90 triệu thuê bao phát sinh cước của ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone, nếu trừ đi khoảng 5-6 triệu thuê bao trả sau thì vẫn còn tới hơn 80 triệu thuê bao trả trước. Vấn đề đặt ra là số lượng lớn khách hàng này có thể đối mặt với nguy cơ bị mua thẻ cào giả…

Vừa qua, cơ quan hải quan tại tỉnh Quảng Ninh đã thu giữ lô hàng 24.900 thẻ cào MobiFone nhập lậu qua cửa khẩu Móng Cái. Cũng theo thông tin từ cơ quan này, sau khi bị kiểm tra phát hiện, chủ lô hàng lậu này đã bỏ trốn. Sau đó, Công ty VMS-MobiFone đã phát đi thông báo khẳng định đó là lô hàng thẻ cào giả được nhập lậu từ Trung Quốc vào thị trường trong nước, không có khả năng nạp tiền cho các thuê bao MobiFone… Tuy nhiên, đó chỉ là một vụ việc được các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn. Trên thực tế, thỉnh thoảng dư luận lại thông tin việc khách hàng của cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone phản ánh tình trạng mua phải thẻ cào nạp tiền (mệnh giá thấp nhất là 100.000 đồng) giả, kết cục là bị mất tiền oan… Để giúp khách hàng không bị lừa khi mua thẻ, MobiFone và các nhà mạng khác cũng thông báo tới các đại lý và khách hàng cần phải cẩn trọng. Theo đó, đại lý, cửa hàng nhập thẻ cào phải có hóa đơn, chứng từ có nguồn gốc; còn khách hàng thì nên đến các cửa hàng, đại lý chính thức của MobiFone hoặc điểm bán có uy tín và khi mua thẻ thì nên nạp tiền tại chỗ để bảo đảm thẻ được nạp thành công…

Các nhà mạng cần tăng cường quản lý khâu sản xuất, phát hành thẻ cào.


Có thể thấy, việc các nhà mạng khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi mua thẻ cào là việc làm cần thiết, song, có một thực tế là ngay tại các thành phố, thị xã, tuy cả ba nhà mạng có nhiều cửa hàng, đại lý chính thức, thế nhưng không phải đều có vị trí thuận tiện gần khu dân cư và phần nhiều người dân vẫn phải mua tại các điểm bán lẻ, trong khi các cửa hàng, đại lý này không chỉ có mỗi nhiệm vụ bán thẻ cào. Còn ở nông thôn, đương nhiên số lượng cửa hàng, đại lý sẽ ít hơn so với khu vực đô thị nên người dân sẽ càng gặp khó khăn hơn… Do vậy, hàng chục triệu khách hàng thuê bao trả trước có thể gặp rủi ro nếu chẳng may mua phải thẻ cào giả. Bởi vậy, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức cho khách hàng, các nhà mạng cũng cần tăng cường biện pháp quản lý các đại lý, điểm bán, các bộ phận kinh doanh liên quan đến khâu sản xuất phát hành thẻ cào nhằm không chỉ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng mà còn giữ uy tín của nhà mạng. Mặt khác, cũng cần nâng cao vai trò của cơ quan hải quan, quản lý thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng thẻ cào giả xuất hiện trên thị trường.

Cũng cần nhắc lại sự việc xảy ra năm 2013, khi cơ quan hải quan ở tỉnh Quảng Ninh bắt giữ lô hàng hơn 8.450 sim Vinaphone tại cửa khẩu Móng Cái. Đáng chú ý là số lượng sim này đã được đăng ký thông tin thuê bao không đúng theo quy định. Vụ việc này nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ kẻ xấu sử dụng sim vào việc trộm cắp cước viễn thông quốc tế, gây thiệt hại cho các nhà mạng trong nước. Nhưng, dù lý do gì thì có một nguyên nhân không thể phủ nhận là nhà mạng đã chưa làm tốt khâu quản lý thông tin thuê bao (để cho hàng nghìn thuê bao được đăng ký thông tin sai quy định), như vậy rõ ràng trách nhiệm lớn và trước tiên là của nhà mạng.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, bên cạnh những nỗ lực về nâng cao chất lượng vùng phủ sóng, đưa nhiều giá trị tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ, các nhà mạng vẫn phải cần coi trọng công tác quản lý việc kinh doanh của mình nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của chính mình, đồng thời gây thiệt hại cho Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thẻ cào bị làm giả: Khách hàng chịu thiệt, nhà mạng tai tiếng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.