(HNM) - Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những video clip đánh nhau, làm nhục bạn hoặc tham gia vào những cảnh "nóng" mà thủ phạm, nạn nhân đều là HS đang khiến các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và các cấp quản lý đau đầu. Người lớn cần nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã chia sẻ với PV Báo Hànộimới về những vấn đề nói trên.
Thường xuyên nêu gương lối sống lành mạnh, giúp các em nhận thức được những giá trị sống đích thực. Ảnh: Nhật Nam |
- Người xưa có câu "đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" hàm ý nói những điều nên và không nên "trưng" trước cộng đồng, nhưng giới trẻ hiện nay lại thích phô ra nhiều hình ảnh, hành vi không đẹp. Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học, ông nhìn nhận về điều này như thế nào?
- Việc một nhóm nhỏ trong giới trẻ có những hành vi lệch chuẩn, sử dụng "tiểu văn hóa" của mình phản ứng lại với văn hóa chung của xã hội, của người lớn, từng gây bức xúc trong nhà trường, trong dư luận thì ở thời nào cũng có. Nhưng hiện nay, những hành vi như thế đang nhiều hơn, "phong phú" hơn là bởi có sự "hỗ trợ" của hệ thống phương tiện, công nghệ hiện đại, trong đó đáng chú ý là sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới. Sự thay đổi trong quan niệm, cách nhìn nhận, đánh giá có xu hướng cởi mở hơn khiến sự xuất hiện của những hành vi lệch chuẩn ấy ngày một ồ ạt… Theo chúng tôi, chuyện đánh nhau, chia bè, chia cánh… trong môi trường học đường lâu nay vẫn luôn có, thời chúng tôi đi học cũng thế thôi. Chỉ có điều, bây giờ chúng được "kích hoạt" bởi những yếu tố như đã nói và dường như đã được kích thích bởi sự quan tâm thái quá của dư luận xã hội, trong đó có giới truyền thông.
- Tâm sinh lý lứa tuổi có phải là một yếu tố làm bùng phát những hành vi lệch chuẩn, thưa ông?
- Đặc điểm của giới trẻ nói chung là thích sự nổi trội, thời thượng và muốn được mọi người biết đến mình, có khi còn "khẳng định mình" bằng mọi giá. Tại sao giới trẻ lại có những lời nói, hành vi đi ngược lại với những chuẩn mực chung như vậy? Thực tế, làm điều tốt thì rất khó, nhưng thực hiện những hành vi lệch chuẩn thì lại dễ hơn, dễ gây sự chú ý, nên một bộ phận giới trẻ hay sa vào xu hướng ấy... Những vụ đánh nhau, làm nhục bạn, khoe cảnh "nóng"… xuất hiện thời gian gần đây là minh chứng cho điều đó. Sự thờ ơ, thiếu hiểu biết về luật pháp và kỹ năng sống đã khiến nhiều bạn trẻ phạm pháp mà không biết, thậm chí không lường trước được hậu quả gây ra.
- Đã có nhiều giải pháp giáo dục, quản lý HS được đưa ra từ phía nhà trường, gia đình, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vậy, thưa ông, đâu là nguyên nhân?
- Phải nhận thức rằng, những hành vi lệch chuẩn ngày càng có chiều hướng tăng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay phần nào phản ánh sự bất cập và thiếu thuyết phục của các giải pháp, trong đó sự giáo điều, giáo dục kiểu kinh viện một chiều có ảnh hưởng không nhỏ. Giáo dục truyền thống của chúng ta lâu nay là giáo dục theo thể thức nêu gương, trong khi đó, các thiết chế liên quan đến nhu cầu và thực tiễn xã hội của con người thì lại đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí một số giá trị sống đang bị đảo lộn, trượt gãy… nên giáo dục nêu gương cũng khó tạo hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, để nêu gương thì mỗi người lớn hãy tự làm tốt công việc của mình, đừng thể hiện sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi, bởi áp lực của nền kinh tế thị trường đang đặt gia đình trước nhiều thách thức khiến việc giáo dục con trẻ dần bị buông lơi. Khi con đến tuổi "ương ương", thích những cái mới lạ, lại sẵn có năng lực sáng tạo, nếu không định hướng kịp thời thì các em rất dễ có hành vi phản ứng lại những điều mà chúng chưa thực sự tâm phục, khẩu phục. Các thiết chế giáo dục phải hướng khả năng sáng tạo của giới trẻ đến việc xây dựng chuẩn mực đạo đức học trò bằng cách tổ chức nhiều hình thức hoạt động tập thể, các sân chơi trí tuệ để các em được thử sức mình, được "xả" hết tiềm năng vốn có.
Mỗi thầy cô giáo hãy là tấm gương đạo đức, chuẩn mực cho HS, đừng chỉ rao giảng những bài học lý thuyết khô khan. Tuy nhiên, cũng không nên tạo áp lực quá nhiều cho ngành GD, bởi các em còn nhiều khoảng thời gian khác ngoài nhà trường, cần sự phối hợp của các lực lượng.
- Vậy làm thế nào để quản lý, định hướng các em trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại, nhất là internet một cách có ích?
- Tôi cho rằng, ngoài sự quản lý của Nhà nước, chúng ta có thể làm tốt hơn nữa nếu theo sát, hiểu và đồng hành với những sự việc ngay khi nó xuất hiện trên mạng. Thay vì cấm đoán, chúng ta hãy tận dụng lợi thế của công nghệ hiện đại để tuyên truyền phản lại những cái xấu đang khá phổ biến trên cộng đồng mạng. Việc tham gia vào cộng đồng mạng bằng những câu chuyện kể, những tấm gương, hành vi, lời nói chuẩn mực; tổ chức các sân chơi, cuộc thi để khơi dậy tính ganh đua, cạnh tranh lành mạnh của giới trẻ là điều không khó. Những hình ảnh, việc làm đẹp như thế nếu thường xuyên được tán thưởng, tôn vinh sẽ dần giúp các em nhận thức được giá trị sống đích thực, định hướng các em sống có ích. Cùng với giáo dục nêu gương, sự tham gia tích cực, thường xuyên của người lớn vào việc xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh sẽ là "phương thuốc" hữu ích để định hình giá trị chuẩn mực đối với giới trẻ.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Hãy chịu trách nhiệm đến cùng về những thông tin mỗi khi cầm bút phản ánh về HS, về các nhà trường. Thế hệ tương lai sẽ biết ơn lắm về tinh thần trách nhiệm, sự công tâm và cẩn trọng của các tác giả. Với những nhân vật nhạy cảm, dễ tổn thương như HS, xin những người làm báo hãy công tâm, sáng suốt khi thông tin định hướng dư luận. Một ví dụ cụ thể gần đây nhất, nếu "bài văn lạ" của nữ sinh lớp 12 đất Cảng được giới thiệu như một "mầm" tài năng sáng tác văn học ở một chuyên mục khác không phải chuyên mục nhà trường hay giáo dục, chắc dư luận không khó nhọc đi tìm cái thực trong cái hư cấu của hình tượng, cảm xúc văn học. Chỉ vì sự lẫn lộn đó mà cô nữ sinh kia không biết còn bị tổn thương đến khi nào? Liệu mầm mống tài năng sáng tác văn học có còn hay bị thui chột? |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.