(HNM) - Nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ năm 2007, Chính phủ đã có chủ trương đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh.
Ngân sách nhà nước cũng chi những khoản kinh phí lớn để hỗ trợ chủ phương tiện chuyển đổi phương tiện phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn cả nước, vẫn còn hàng vạn xe công nông, xe tự chế hoạt động. Đại diện các ngành liên quan và các địa phương đều thừa nhận chủ trương rất đúng nhưng không dễ triển khai.
Cả nước vẫn còn hàng vạn xe công nông, xe tự chế hoạt động dù đã bị đình chỉ lưu hành từ năm 2007. |
Cả vạn phương tiện vẫn hoạt động trái phép
Theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP năm 2007 của Chính phủ, việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn cả nước được thực hiện từ ngày 1-1-2008. Cũng theo quy định tại Nghị quyết, các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép bị đình chỉ hoạt động. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu trang thiết bị sản xuất.
Sau 5 năm thực hiện chủ trương này, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 860 tỷ đồng cho các chủ phương tiện, dừng hoạt động 154.220 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Để thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT và các địa phương cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Dù đã thực hiện quyết liệt, song theo thống kê của các địa phương, cả nước vẫn còn tới 9.700 xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh đang hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Thậm chí, tại một số địa phương, tình trạng lái xe 3, 4 bánh tự chế giả danh thương binh hoạt động ngang nhiên, chở hàng hóa cồng kềnh gây ùn tắc giao thông nhưng việc kiểm tra, xử lý còn lúng túng.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số địa phương thực hiện chưa nghiêm chủ trương của Chính phủ. Trong khi, một số nơi có số lượng lớn phương tiện là xe công nông thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nhưng do không đầy đủ hoặc không có thủ tục hồ sơ nên không chuyển đổi được. Ngoài ra, công tác giám sát sau khi thay thế của một số địa phương còn lỏng lẻo nên đã xuất hiện tình trạng người dân dù đã nhận tiền hỗ trợ, nhưng vẫn lén lút sử dụng các loại phương tiện cũ.
Băn khoăn phương tiện thay thế
Phương tiện thay thế chưa phù hợp là quan điểm của Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) khi đề cập tới chủ trương này. Ông Dánh nhận định, đã qua 5 năm thực hiện chủ trương đình chỉ phương tiện xe công nông, xe thô sơ 3, 4 bánh, xe lôi máy nhưng số lượng xe chuyển đổi không nhiều đã phản ánh thực trạng, loại phương tiện thay thế chưa phù hợp với nhu cầu của người dân. Nhu cầu của người dân rất lớn, nếu có loại xe thay thế phù hợp chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng.
Cũng băn khoăn về phương tiện thay thế, đại diện nhiều địa phương phản ánh, thực hiện chủ trương loại bỏ các phương tiện mất an toàn giao thông ra khỏi đời sống, các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp sản xuất đã giới thiệu một số loại xe tải nhẹ tới người dân. Song, các loại phương tiện này chỉ đáp ứng tốt hơn về mặt an toàn giao thông, còn mức độ phù hợp, tính cơ động và tiện dụng chưa cao. Có những loại xe 4 bánh gắn động cơ chạy ở vùng đồng bằng thì thích hợp, nhưng lại bất cập với những vùng núi, địa hình xấu.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, vừa qua Bộ GTVT đã đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tổng kiểm tra, rà soát lượng phương tiện thuộc diện bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động; Quy định phạm vi, thời gian hoạt động đối với loại xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; Kiên quyết xử lý xe bị đình chỉ tham gia giao thông; Có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện…
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu để sớm ban hành quy định về đăng kiểm, tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc đăng kiểm các loại xe thay thế; kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ thay thế phương tiện phù hợp, đối với cả các đơn vị sản xuất phương tiện thay thế lẫn với người có nhu cầu sử dụng bằng việc cho vay lãi suất ưu đãi… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam không còn các phương tiện tự chế. Song, giải pháp nào thì cũng cần phải có lộ trình phù hợp và phải bảo đảm được thu nhập và cuộc sống của người dân.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cái khó hiện nay là trên thế giới không có nước nào sản xuất loại xe 4 bánh gắn động cơ, vì vậy, không có tiêu chuẩn để kiểm định. Hiện, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo việc đình chỉ xe tham gia giao thông như: Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hà Nội. Riêng địa bàn Hà Nội tập trung vào các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.