(HNMO) - Chiều 5-6, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thống kê cho thấy, tính đến hết quý I-2015, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN, trong đó CPH 4.237 DN. Trong giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện CPH 432 DN. Tính riêng quý I-2015, cả nước đã CPH 29 DN. Trong số 260 DN còn lại, 62 DN đã công bố giá trị DN, 198 DN đang tiến hành xác định giá trị DN.
Bộ Tài chính cũng đưa ra những số liệu thống kê cụ thể về số vốn nhà nước cần thoái khỏi lĩnh vực “nhạy cảm”. Theo đó, tổng giá trị đầu tư vào năm lĩnh vực “nhạy cảm” gồm: bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và Quỹ đầu tư mạo hiểm mà các Tập đoàn, Tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm nay, các DNNN đã thoái được 2.807 tỷ đồng, thu về 3.206 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đã thoái tính đến quý I-2015 là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 khá lớn: 19.517 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn của các DNNN.
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc trong những tháng cuối năm, mục tiêu CPH thành công hơn 200 DN liệu có khả thi? ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận, số lượng DN còn lại phải CPH theo kế hoạch là “thách thức”. Nhấn mạnh việc phải thực hiện CPH theo đúng kế hoạch, nhưng ông Tiến cũng cho rằng, yếu tố “chất lượng” của DN hậu CPH mới là vấn đề đáng được lưu tâm.
Từ nay tới cuối năm, các cơ quan chức năng sẽ phân loại các DN để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). DN nào đủ điều kiện thì mới IPO, còn không thì sẽ chuyển sang công ty cổ phần. Ước tính sau 12 tháng thực hiện chuyển sang công ty cổ phần, DN sẽ phải trình phương án IPO. Nếu tiếp tục không IPO được, DN này sẽ phải thực hiện đúng quy định là bán cả DN hoặc tuyên bố phá sản. “Khi các DN thực hiện IPO, nếu không ai mua thì rõ ràng DN đó có vấn đề. Bởi vậy, giải pháp này không phải chữa cháy mà rõ ràng mang tính triệt để”. Một giải pháp đẩy mạnh tiến trình CPH cũng được đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh là tăng cường giám sát, kiểm tra, cụ thể là gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, bộ, ngành với công tác CPH, “Nếu DN không thực hiện, không quyết tâm, chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo DN. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.
Liên quan đến kết quả thoái vốn, ông Tiến cho biết, với số vốn đã thoái tính tới hết quý I-2015 trên 8.200 tỷ đồng thì những tháng cuối năm, các đơn vị sẽ phải thoái 19.517 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành. Số tiền vốn đầu tư ngoài ngành này phần lớn nằm trong khu vực ngân hàng, bất động sản với số vốn ước khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, khoảng 2/3 số vốn đọng lại tại lĩnh vực ngân hàng, bất động sản thuộc về 2 tập đoàn kinh tế lớn. Khi hai đơn vị này hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện đang được thực hiện khẩn trương, việc thoái vốn theo đúng mục tiêu của Chính phủ sẽ không quá xa vời.
*Chiều cùng ngày, Bộ Tài chính cũng tổ chức họp báo chuyên đề về triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực chuyên ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.