Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay thế cây xanh trên một số tuyến phố: Bảo đảm mỹ quan đô thị

Khánh Khoa| 05/01/2015 06:33

(HNM) - Hà Nội sẽ thay thế cây xanh trên các tuyến phố không phù hợp trồng trong đô thị hoặc bị sâu, mục không bảo đảm an toàn...


Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quý I-2015, Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội sẽ thay thế cây xanh có chủng loại, kích thước không phù hợp cảnh quan trên tuyến phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh, với kinh phí xã hội hóa của Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Him Lam. Theo khảo sát, thiết kế, tuyến phố Huế chặt hạ 117 cây, di chuyển 11 cây, trồng lại 117 cây giáng hương thay thế. Tuyến phố Hàng Bài chặt hạ 12 cây, di chuyển 1 cây, trồng 13 cây sấu thay thế. Tuyến phố Nguyễn Chí Thanh chặt hạ 96 cây, trồng 92 cây giáng hương thay thế.

Cây xanh trên phố Hàng Bài sẽ được thay thế, trồng mới ở một số vị trí nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị. Ảnh: Bá Hoạt


Trước đó, trong tháng 11-2014, dự án thay thế cây không đúng chủng loại cây đô thị, cong nghiêng, sâu mục mất an toàn trên tuyến đường Nguyễn Trãi đã được triển khai. Có 275 cây được thay thế dịp này, trong đó 194 cây chặt hạ do không đúng chủng loại cây đô thị (bàng, dâu da, trứng cá… do người dân tự trồng), 58 cây cong nghiêng, sâu mục mất an toàn, dịch chuyển 23 cây. Ngoài ra, sẽ có 78 cây lát hoa được trồng lại trên vỉa hè hai bên đường; riêng trên dải phân cách, sẽ báo cáo UBND thành phố thực hiện sau khi Sở GTVT có phương án tổ chức giao thông. Còn trong tháng 12-2014, một dự án tương tự được triển khai trên tuyến đường Kim Mã - Nguyễn Thái Học. Cụ thể, trên phố Kim Mã đã chặt hạ 50 cây, di chuyển 4 cây, trồng thay thế bằng 47 cây thàn mát, bằng lăng; trên phố Nguyễn Thái Học, chặt hạ 98 cây, dịch chuyển 4 cây, trồng lại bằng 101 cây lát hoa. Toàn bộ kinh phí dự án khoảng 3,5 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành tài trợ và thực hiện.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố, trong đó, địa bàn quận Hoàn Kiếm có 7 tuyến phố, Ba Đình 4 tuyến phố, Hai Bà Trưng 3 tuyến phố, Đống Đa 3 tuyến phố. Nhiều nhất là phố Lý Thường Kiệt trồng thay thế bằng 166 cây giáng hương; phố Trần Hưng Đạo trồng thay thế bằng 75 cây sấu, phố Tràng Thi trồng thay thế bằng 72 cây bằng lăng; phố Quang Trung trồng thay thế bằng 73 cây sao đen…

Ngoài các dự án trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra, khảo sát 17 tuyến phố trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm và đề xuất chặt hạ 787 cây, dịch chuyển 25 cây, trồng thay thế 775 cây, trồng bổ sung 67 cây. Các loài cây trồng thay thế là cây phù hợp đô thị như giáng hương, sấu, thàn mát, bằng lăng, sao đen, chẹo, lát hoa, vành anh, hoàng lan…Trong tháng 12-2014, sở đã họp với 9 doanh nghiệp đang thực hiện đặt hàng dịch vụ duy trì cây xanh với thành phố để kêu gọi xã hội hóa việc cải tạo hệ thống cây xanh 17 tuyến phố trên. Đến nay, đã có 8/9 đơn vị có văn bản đăng ký.

Trước câu hỏi, liệu có tình trạng chặt hạ bừa bãi cây xanh hay không? Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Những cây phải chặt hạ là cây không đúng chủng loại đô thị, chủ yếu do người dân tự trồng như dâu da, trứng cá… hoặc sâu, mục hư hỏng gây mất an toàn, hoặc cong, nghiêng cản trở phương tiện giao thông. Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan lập tổ công tác liên ngành trực tiếp khảo sát đánh giá từng tuyến phố, lập hồ sơ cụ thể với từng cây cần chặt hạ căn cứ trên quy chuẩn, tiêu chuẩn đô thị. Những cây xanh không đúng thiết kế với tuyến phố nhưng còn không bị sâu, hư hỏng, kích thước phù hợp đều được di chuyển về vườn ươm để trồng trên tuyến phố khác. Thậm chí, toàn bộ số củi thu được sau khi đốn hạ cây cũng được tập kết, quản lý theo quy định. Việc cải tạo cây xanh thực hiện theo phương thức xã hội hóa nhưng có sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của Sở Xây dựng.

Kết quả đánh giá hiện trạng hệ thống cây xanh đường phố mới đây cho thấy, trong tổng cộng 50.000 cây bóng mát trồng hai bên đường, chủ yếu là một số loài như xà cừ (5.000 cây), muồng (5.500 cây), bằng lăng (5.500 cây), phượng (3.800 cây), hoa sữa (3.800 cây), bàng (2.800 cây), sấu (2.200 cây)… Nhiều tuyến phố có những hàng cây cổ thụ đường kính lớn, tuổi đời cao được trồng từ thời Pháp đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục gốc, thân; rễ bị thối, dễ bị gãy đổ trong mùa mưa bão, nhất là với cây xà cừ. Trong khi đó, một số loại cây trồng mới trên tuyến phố mới mở sau này chưa phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển chậm, cong xấu mất mỹ quan đô thị như muồng thẫm. Bên cạnh đó, người dân tự ý trồng nhiều loại cây không đúng chủng loại cây đô thị như vông, bông gòn, dâu da… có cành giòn dễ gãy, rễ nông hay bị đổ, có quả rụng gây mất vệ sinh. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống cây xanh Hà Nội, UBND thành phố đã phê duyệt đề án cải tạo cây xanh đô thị hai bên đường giai đoạn năm 2014-2015, với 190 tuyến phố trên địa bàn 10 quận, tổng kinh phí khoảng 73,3 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án cải thiện cảnh quan, môi trường, bảo đảm chất lượng cây xanh. Các cây trồng lại thay thế cây sâu mục, cong, nghiêng gồm 15 loài, có đường kính thân từ 15cm trở lên, chiều cao phát triển 6-8m, thân thẳng, phân cành cao, không sâu bệnh, không ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông.

Về việc một số cây mới trồng lại trên tuyến Vành đai I Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu bị chết, Sở Xây dựng khẳng định là do thời tiết không thuận lợi. Tuyến này do Công ty cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh thực hiện, trồng thay thế 139 cây sấu từ ngày 15-8 đến 10-9-2014. Những cây bị chết, Công ty Bình Minh đã trồng thay thế để bảo đảm chất lượng toàn tuyến.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay thế cây xanh trên một số tuyến phố: Bảo đảm mỹ quan đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.