Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấy gì từ "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 1 tỷ USD?

Minh Ngọc| 22/10/2012 10:06

Theo Tổng cục Hải quan, mới qua 9 tháng, “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên đã có 21 thành viên. Thấy gì từ các mặt hàng này?

Ảnh minh họa


Thứ nhất, danh sách 21 thành viên (được xếp từ cao đến thấp) là (1) Hàng dệt may; (2) Điện thoại các loại và linh kiện (3) Dầu thô; (4) Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh liện; (5) Giày dép các loại; (6) Thuỷ sản; (7) Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; (8) Gỗ và sản phẩm gỗ; (9) Phương tiện vận tải và phụ tùng; (10) Cà phê; (11) Gạo; (12) Cao su; (13) Xăng dầu các loại; (14) Xơ, sợi dệt các loại; (15) Sản phẩm từ chất dẻo; (16) Sắt thép các loại; (17) Túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; (18) Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; (19) Hạt điều; (20) Sắn và sản phẩm từ sắn; (21) Sản phẩm từ sắt thép.

Kim ngạch xuất khẩu của 21 mặt hàng này đạt 72,2 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 30,5%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung (18,6%). Điều đó chứng tỏ các thành viên này có vai trò rất quan trọng đối với quy mô và tốc độ tăng trưởng chung.

Điều đó cũng đòi hỏi việc điều hành chỉ đạo, một mặt yêu cầu phải mở rộng các mặt hàng xuất khẩu để khai thác mọi khả năng tiềm tàng, lợi thế; mặt khác cần có sự tập trung nguồn lực (vốn liếng, lãi suất, quảng cao, tiếp thị cho những mặt hàng trọng điểm. So với cùng kỳ năm trước, câu lạc bộ năm nay đã có thêm 5 thành viên mới (Sắn và các sản phẩm từ sắn; sản phẩm từ chất dẻo; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; sản phẩm từ sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện).

Thứ hai, trong câu lạc bộ đã hình thành các nhóm trong đó có 12 mặt hàng đatự kim ngạch từ 2 tỷ USD trở lên; trong số này có 9 mặt hàng đạt từ 3 tỷ USD trở lên, có 7 mặt hàng đạt từ 4 tỷ USD trở lên, có 5 mặt hàng đạt từ 5 tỷ USD trở lên, có 3 mặt hàng đạt từ 6 tỷ USD trở lên, có 2 mặt hàng đạt từ 8 tỷ USD trở lên, đặt biệt có 1 mặt hàng đạt 11 tỷ USD trở lên.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của 12 mặt hàng này 9 tháng năm nay đã đạt trên 59,7 tỷ USD, chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tốc độ tăng chung.

Trong số những mặt hàng xuất khẩu, điện thoại và linh kiện là mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trị giá xuất khẩu chín tháng của mặt hàng này là 8,63 tỷ USD, tăng tới 2,2 lần so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong 21 thành viên “câu lạc bộ” những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, tính từ đầu năm đến 15/10/2012 có mặt hàng túi xách, ví, va ly, mũ và ô dù.

Đây là mặt hàng có kim ngạch lớn thứ 18 trong tổng số 21 thành viên của “Câu lạc bộ”. Nếu trong 3 tháng còn lại, “tiến độ” xuất khẩu đạt bằng mức bình quân 1 tháng tính từ đầu năm đến 15/10 (9 tháng rưỡi), thì cả năm 2012 có thể đạt 1466 triệu USD, tăng 14% so với năm trước. Đó là ước tính “non”, nếu ước tính theo tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước đã đạt được trong 9 tháng đầu năm (tăng 17,3%), thì cả năm 2012 kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù sẽ vượt qua mốc 1,5 tỷ USD. Dù ước tính theo cách nào, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm nay cũng đã vượt qua kỷ lục cũ đã đạt được vào năm 2011.

Đây là kết quả tích cực, ít ai nghĩ tới, bởi nói đến mặt hàng xuất khẩu thường đề cập đến dệt may, dầu thô, giày dép, thuỷ sản... Còn đối với túi xách, ví, va li, mũ và ô dù, thì không ít người cho rằng mấy thứ này có tính lặt vặt, thuần tuý thủ công, làng nghề, ra quốc tế mấy ai ưa dùng... Tuy nhiên, không như một số mặt hàng khác phải tốn kém nhiều nguyên vật liệu nhập khẩu (gây ra nhập siêu), có thực thu ngoại tệ chỉ chiếm một phần trong tổng giá trị xuất khẩu (gia công)...; mặt hàng này giải quyết được nhiều lao động, rút được lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ như theo hướng “ly nông bất ly hương”...

Còn về thị trường, 9 tháng qua đã có ít nhất 28 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng triệu USD túi xách, ví, va li, mũ, ô dù của Việt Nam, trong đó có 16 thị trường đạt hàng chục triệu USD. Đáng lưu ý, phần lớn những thị trường có kim ngạch lớn lại là những nước công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Pháp, Slovakia, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh…

Một số vấn đề cần lưu ý

Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng của các thành viên “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì cũng có một số vấn đề cần chú ý.

Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu thô là khoáng sản chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt dù kim ngạch đã giảm. Than đá xuất gần 10,3 triệu tấn (giảm 19,8%) với kim ngạch xấp xỉ 887 triệu USD (giảm 27,2%), quặng và khoáng sản khác xuất trên 723 nghìn tấn (giảm 63,9%) với kim ngạch đạt 159 triệu USD (giảm 0,5%)... Chủ trương tiết kiệm khai thác, hạn chế xuất khẩu một số loại khoáng sản gần đây là đúng hướng và cần thực hiện nghiêm chỉnh.

Thứ hai, các mặt hàng xuất khẩu là nông, lâm – thuỷ sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Những mặt hàng này chủ yế trong nhóm này lên tới trên 19 tỷ USD, chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù đây là những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam xuất phát nông nghiệp đi lên, có dân số nông thôn và lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn, nhưng cũng có một số điểm đáng lưu ý. Khối lượng xuất khẩu lớn đứng thứ hạng cao trên thế giới, nhưng kim ngạch thu được chưa cao vì mới sơ chế hoặc chưa qua chế biến… Xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản thường phụ thuộc nhiều vào thiên tai, dịch bệnh và giá cả thế giới.

Tỷ trọng sản phẩm chế biến xuất khẩu chiếm tỷ trọng khá; tuy nhiên tính gia công còn cao, kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu còn lớn.

Vì vậy, một mặt cần mở rộng mặt hàng, tập trung cho mặt hàng có kim ngạch lớn; mặt khác, quan trọng hơn là phải nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất, đẩy mạnh chế biến, phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm tính gia công…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì từ "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 1 tỷ USD?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.