Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi tư duy xuất khẩu gạo

Đình Hiệp| 29/05/2017 06:15

(HNM) - Theo Bản ghi nhớ vừa được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh Qamrul Islam, mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh 1 triệu tấn gạo các loại.


Giữa lúc xuất khẩu gạo Việt Nam rơi vào trầm lắng và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm vụ hè thu sắp tới, đây là tin vui lớn không chỉ với người nông dân “một nắng hai sương”, mà với cả những ai quan tâm đến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực này của nước ta.

Sự suy giảm cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2017 đang báo hiệu một năm nhiều khó khăn với xuất khẩu gạo Việt Nam. Điều đáng suy nghĩ là xuất khẩu gạo nước ta không chỉ bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ mà cả với các nước “chân ướt chân ráo” tham gia vào thị trường như Campuchia và Myanmar.

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam rơi vào trầm lắng?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó giá lúa gạo trong nước giảm chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ của thế giới còn trong giai đoạn suy yếu; nguồn cung dư thừa. Hầu hết các nước sản xuất lúa gạo lớn như Thái Lan, Philippines, Việt Nam… đang vào đợt thu hoạch vụ chính trong năm nên nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, những thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc lại đang hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế nước ta nhiều năm qua, với 6 - 7 triệu tấn xuất khẩu mỗi năm. Việt Nam luôn là một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, với thị trường hơn 150 nước. Thế nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là vì sao vài năm trở lại đây, xuất khẩu gạo nước ta lại giảm nhanh chóng cả về số lượng lẫn giá trị?

Có thể kể ra đây một loạt bất cập khiến xuất khẩu gạo Việt Nam chưa phát triển bền vững như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn; sử dụng quá nhiều giống lúa với chất lượng khác nhau dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều. Mức độ cơ giới hóa trong công đoạn thu hoạch còn thấp dẫn tới chất lượng gạo xuất khẩu thấp, giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao. Đặc biệt, việc phụ thuộc vào một số ít thị trường lớn khiến hạt gạo Việt Nam luôn ở thế bị động và bị ép giá.

Một loạt bất cập trên cho thấy, đã đến lúc cần thay đổi tư duy trong xuất khẩu gạo. Trước mắt, cần cải thiện những yếu kém nội tại như sản xuất manh mún, khâu chế biến chưa bảo đảm tính liên tục, chất lượng gạo chưa ổn định, khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập. Cùng đó, ngành Lúa gạo cần có những biện pháp chủ động thích ứng với thị trường; tạo lập và duy trì thị trường xuất khẩu gạo ổn định hằng năm.

Trước tình hình ngành Lúa gạo đối mặt với nguy cơ sụt giảm trong năm 2017, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017 đã đề ra.

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, với giá trị 2,3 tỷ USD trong năm 2017, ngành Lúa gạo Việt Nam cần có sự đột phá về phương thức sản xuất. Quy mô sản xuất có thể nhỏ lại nhưng chất lượng phải tăng lên. Lượng gạo xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị, hiệu quả và thu nhập của người trồng lúa phải được nâng cao, sản xuất bền vững hơn.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị lệ thuộc sẽ là hướng đi tất yếu nhằm thay đổi tư duy trong xuất khẩu gạo nói riêng, các nông sản của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi tư duy xuất khẩu gạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.