(HNM) - Ngày 10-11, trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nội dung được điều chỉnh của Luật Đầu tư (sửa đổi) và cho rằng, nếu được thông qua, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo sự đột phá trong lĩnh vực đầu tư.
Đây là dự án luật quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chính sách ưu đãi và bảo đảm đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Như vậy có thể thấy, vai trò đặc biệt quan trọng của dự án luật này đối với việc phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Với bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn do chịu những tác động nặng nề của "cơn bão" khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, thời gian qua Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường triển khai thực hiện các chủ trương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Điển hình là việc rà soát các công đoạn liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập, vận hành của doanh nghiệp; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục thuế, hải quan; loại bỏ những thủ tục vô lý, gây khó khăn, phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Đây là những vấn đề hết sức cần thiết, trực tiếp liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp; đồng thời hiệu quả triển khai thực hiện những công việc trên cũng chính là thước đo năng lực vận hành của bộ máy quản lý nhà nước. Rõ ràng trong giai đoạn mới không thể quản lý theo tư duy cũ với bộ máy cồng kềnh cùng quá nhiều "rào cản" gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Và quan trọng hơn, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cần phải tạo ra môi trường làm ăn thông thoáng, minh bạch. Và công việc cần làm trước hết là cải cách hành chính, chuyển bộ máy sang nền hành chính phục vụ. Tuy nhiên để thực hiện điều đó rất cần ý thức tự giác và sự cầu thị của cơ quan chức năng. Việc xây dựng dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng không thể nằm ngoài những mục tiêu nêu trên.
Cụ thể, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung một số ngành, nghề đồng thời bãi bỏ những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp; Hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật; Xác định rõ danh mục "loại trừ" về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật... Trong đó, đặc biệt Luật Đầu tư “sửa đổi” được điều chỉnh theo hướng loại bỏ việc cấp phép đầu tư với tất cả các doanh nghiệp trong nước. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thực hiện vấn đề này không phải là cơ quan chức năng buông lỏng việc quản lý. Trong thực tế, các luật chuyên ngành khác và các luật liên quan đã có quy định cụ thể về đầu tư nên luật này không nhất thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp trong nước làm thủ tục cấp phép.
Với những sự điều chỉnh như đã nêu, rõ ràng đây là bước tiến mới trong tư duy của những người xây dựng luật. Như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế, Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này đã thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, từ "chọn cho" (cái gì cho phép thì ghi vào luật, cái gì không cho phép thì phải xin) sang "chọn bỏ" (những gì cấm thì ghi vào luật). Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là phương pháp làm luật tiên tiến, minh bạch nhưng... khó làm.
Có thể Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua nhưng tới đây vẫn còn cần những sự điều chỉnh, song việc thay đổi tư duy làm luật như đã nêu là rất đáng ghi nhận. Điều đó không chỉ góp phần điều chỉnh các hoạt động trong xã hội ở lĩnh vực cụ thể mà còn giúp cho việc đổi mới tư duy, nhận thức trong công tác quản lý. Có như vậy mới tránh được tình trạng không quản được thì cấm, xây dựng luật cũng dễ, thực hiện cũng không quá khó, song vấn đề là kìm hãm sự phát triển của xã hội. Đây mới là mấu chốt chúng ta cần khắc phục ngay từ việc xây dựng luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.