(HNM) - Kết quả khảo sát của dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh ở Hà Nội" do Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương và Trường Đại học Melbourne (Australia) phối hợp thực hiện cho thấy có tới 15,94% học sinh các cấp, sinh viên được điều tra bị rối loạn tâm trí (RLTT), rối loạn hành vi và tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng.
Những con số cảnh báo
TS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, thực tế hiện nay trẻ em luôn phải đối mặt với những tác động có hại do mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại. Trong khi đó, việc trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết về tâm lý lứa tuổi cho học sinh còn hạn chế nên rất nhiều hiện tượng liên quan đến sức khỏe tâm thần như lo âu, ám ảnh, trầm cảm, tự sát, "hysterya tập thể", các biểu hiện suy nhược và rối loạn dạng cơ thể... xuất hiện ngày càng nhiều.
Thường xuyên vận động và tham gia các hoạt động tập thể là biện pháp hữu hiệu để tránh các nguy cơ về rối loạn tâm trí ở trẻ. Ảnh: Huyền Linh |
Theo dự án "Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh ở Hà Nội" được triển khai nhằm đánh giá, góp phần đưa ra giải pháp giúp học sinh và cả cha mẹ các em điều chỉnh lại cuộc sống. Trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi 10-16, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 19,46%. Tỷ lệ này không có sự khác biệt nhiều giữa học sinh nam và nữ, tiểu học và trung học cơ sở, nội thành và ngoại thành. Đáng lưu ý, trong số các ca tự sát, có 10% ở độ tuổi 10-17 và tỷ lệ học sinh các cấp qua điều tra có RLTT lên tới 15,94%.
Riêng vấn đề tưởng như rất đơn giản, ít người quan tâm là ứng xử của học sinh, thì hiện cũng có 9,23% học sinh của Hà Nội đang gặp khó khăn, trong đó lứa tuổi 10-11 chiếm 42-46%. Quận Hai Bà Trưng có tỷ lệ học sinh gặp khó khăn về ứng xử cao nhất với 44,2%, tiếp đến là Hoàng Mai (28,8%), Từ Liêm (26,9%). Đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ khó khăn trong ứng xử giữa học sinh nam (84,60%) và học sinh nữ (15,40%). Trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, những phân biệt đối xử của ông bà, cha mẹ, thậm chí định kiến bất bình đẳng về giới cũng ảnh hưởng đến ứng xử của trẻ.
Chủ quan sẽ thành bệnh nặng
Theo các bác sỹ của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, RLTT là bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên, tạo thành những biến đổi bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, hành vi và tác phong của người bệnh. Đây là một dạng rối loạn tâm thần hay gặp nhất, với triệu chứng rất đa dạng: mất ngủ, uể oải, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi, gầy yếu do kém ăn, buồn nôn... Từ sự rối loạn, các em chán học, sợ tiếp xúc với mọi người xung quanh, thậm chí xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như tự tử hoặc gây gổ đánh nhau với người khác. Đa số các em đến bệnh viện khám khi bệnh đã thành mạn tính, việc điều trị rất khó khăn và thời gian điều trị kéo dài. RLTT ở trẻ, ngoài yếu tố bệnh lý nguyên nhân do tổn thương não, do di truyền, bệnh còn xuất hiện do ảnh hưởng của môi trường sống trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.
Điều trị RLTT bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện chỉ có hiệu quả đối với các em bị ở thể nhẹ. Điều cần thiết để chống lại các RLTT là bản thân học sinh phải có ý chí, biết quan tâm đến chính mình và vận động thân thể. Còn đối với trẻ nhỏ, cha mẹ, thầy cô phải là những người thường xuyên tư vấn, trò chuyện gần gũi với các em để hiểu tâm tư, tình cảm cũng như sự thay đổi tâm lý giới tính theo từng giai đoạn. Người lớn phải tạo cho các em môi trường sinh hoạt, học tập thoải mái; thương yêu, tôn trọng trẻ, không nên quá bắt ép hoặc quá buông lỏng cuộc sống của trẻ. Còn khi các hiện tượng rối loạn đã trở thành bệnh thì nhất thiết phải điều trị. Chẩn đoán sớm và điều trị đúng, hơn 80% người bệnh hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường, nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.