Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi để thích ứng an toàn

Ðức Minh| 18/01/2022 05:28

(HNNN) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến vào lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Phải chuẩn bị một tâm thế như thế nào để có một cái Tết vừa ý nghĩa vừa an toàn? Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia văn hóa, nghệ sĩ, người dân xoay quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:
Chữ AN được đặt lên hàng đầu

Tết năm nay khác hẳn Tết mọi năm khi người dân phải đón một cái Tết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chính vì thế, người dân cần chuẩn bị tâm thế bình tĩnh. Chúng ta cần linh hoạt trong cách mua sắm sao cho giản tiện, tránh đi lại nơi chợ búa đông người, linh hoạt trong việc thăm hỏi nhau sao cho vừa thân tình nhưng cũng bảo đảm giữ khoảng cách, và linh hoạt cả trong cách ứng xử với Tết truyền thống. Với các phong tục truyền thống như tạ mộ cuối năm, thăm hỏi, biếu quà Tết, chúc Tết hay du xuân chúng ta cũng nên hạn chế và phải đảm bảo quy định 5K của Bộ Y tế.

Tôi nghĩ Tết này chữ AN phải được đặt lên hàng đầu và nhân biến cố này, chúng ta nên phát huy nét văn hóa truyền thống của người Việt, đó là coi trọng Tết sum vầy. Hãy coi đây là cơ hội để sau một năm vất vả cả gia đình cùng nhau có những buổi sinh hoạt chung đầm ấm, cùng thu dọn nhà cửa, nấu nướng, tận hưởng một cái Tết sum vầy trong gia đình nhỏ của mình.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hiểu rằng, một cái Tết đang đến gần trong khi vẫn có biết bao nhiêu người đang phải cách ly, theo dõi y tế. Cùng với đó là hàng nghìn cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an... phải vắng nhà triền miên vì phải trực nơi tuyến đầu chống dịch, căng sức để giữ gìn sự an toàn cho cả cộng đồng. Nhiều bác sĩ, nhân viên ngành Y tế ở các ổ dịch trên cả nước phải ngày đêm làm việc vất vả, cứu chữa bệnh nhân, xử lý hàng nghìn mẫu xét nghiệm dồn dập đổ về. Nhiều người lao động xa quê đã buộc phải hủy vé tàu, hủy chuyến bay về quê ăn Tết cùng gia đình mà mình chờ đợi suốt cả năm, và cả những người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đón một cái Tết không trọn vẹn. Vì vậy, mỗi người đều cùng phải có trách nhiệm và chung tay để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam: 
Du lịch ảo cũng là một gợi ý hay

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống ít nhiều thay đổi. Chúng khiến một số thói quen, phong tục bị giảm đi nhưng cũng mang đến những điều mới. Một trong số đó chính là những xu hướng du lịch đặc biệt. Sau những tháng ngày phải tạm gác lại đam mê “xách balo lên và đi”, chúng ta có thể đón Tết và du xuân theo cách mới tại các không gian sáng tạo hoặc du lịch qua các không gian ảo. Chính vì thế, Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo đang diễn ra tại 22 Hàng Buồm (Hà Nội) từ nay đến hết tháng 2 là gợi ý hay cho những ai muốn trải nghiệm một cách thức du xuân mới mẻ. Đến đây, các bạn sẽ được trải nghiệm nhiều không gian sáng tạo như Không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo Holomia.

Với công nghệ VR (Virtual Reality - Thực tế ảo), Holomia sẽ mang bạn đến một thế giới khác, nơi bạn sẽ được kết nối vào một không gian mô phỏng thực tế như được đi tham quan Hội An, được trở thành người hứng dừa trong tranh Đông Hồ, được ngồi thảm bay tham quan Hoàng thành Thăng Long hay bước vào phiên bản chùa Một Cột phỏng dựng lại. Hay tại Không gian triển lãm thư pháp “Phiêu diêu”, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 40 tác phẩm là các câu thơ chữ Nôm, các câu kinh Phật, các câu thành ngữ, tục ngữ diễn dịch bằng âm Nôm được thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân tộc. Cũng tại đây, Triển lãm Ký họa phố cổ Hà Nội sẽ cho bạn nhiều góc nhìn mới về những phố Hàng cổ kính đã quá quen thuộc trong con mắt của nhiều người. Ngoài ra còn các không gian sáng tạo hấp dẫn khác như không gian sắp đặt ánh sáng “Dãi thẻ”, không gian triển lãm sắp đặt Video Art Đại tượng...

Du xuân trong bối cảnh dịch bệnh có nét khác biệt, nhưng sự khác biệt đó không ảnh hưởng quá nhiều tới niềm vui của mọi người. Đại dịch Covid-19 có thể khiến lượng người đi lại ít hơn, không giao lưu, gặp gỡ nơi đông người nhưng tâm thế đón xuân, tận hưởng không khí xuân vẫn luôn tồn tại và bằng sự sáng tạo, chúng ta có thể tận hưởng không khí mùa xuân theo cách riêng.

Chị Nguyễn Thu Hiền (nhân viên Công ty FPT):
Mong Tết bình an đến với mọi nhà

Dịch Covid-19 bùng phát vào giáp Tết khiến cái Tết năm nay bớt sôi động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khiến mọi người cũng có tâm lý thủ thân, không chi tiêu nhiều. Đặc biệt, do thực phẩm tươi sống, rau củ quả đều có thể đặt mua online hoặc trên sàn thương mại điện tử dễ dàng, không lo thiếu thốn hay chen chúc ở siêu thị, chợ nên không khí mua bán tại các điểm này cũng kém sôi động hơn những năm trước. Một nét văn hóa đẹp nữa của người Việt Nam trong dịp Tết là phong tục đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng, người thân bạn bè nhưng năm nay có lẽ cũng bị hạn chế, thậm chí nhiều gia đình tôi quen biết đều nói Tết này chỉ ở nhà vì họ đặt sự an toàn và sức khỏe của gia đình lên trên hết. Còn một điều nữa cũng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, đó là xu thế đi du lịch vào dịp Tết.

Gia đình mình bao nhiêu năm nay không có thói quen đi du lịch vào dịp Tết nên mình không thấy thay đổi gì nhiều lắm. Tuy nhiên, bạn bè của mình thì có một số người phải hủy tour đã đặt trước đó... Buồn nhất, và Tết mất đi ý nghĩa trọn vẹn nhất có lẽ là những gia đình có người thân vừa mất vì dịch bệnh, những người làm ăn, học tập xa quê hương không có điều kiện trở về nhà. Tuy nhiên, dù tiếc nuối, dù buồn bã nhưng an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, ai cũng mong Tết này một chữ “bình an”. Rồi dịch bệnh sẽ rời xa, rồi cuộc sống sẽ trở lại bình thường, rồi chúng ta sẽ có những cái Tết vui vẻ hơn, nhưng có lẽ sẽ không ai quên được cái Tết thời Covid - cái Tết mà ai cũng cảm thấy chỉ cần vui vẻ bên nhau là đủ, hạnh phúc và khỏe mạnh là đủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi để thích ứng an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.