(HNM) - Chiếm hơn 80% dân số và hơn 70% lực lượng lao động, đến nay lao động nông thôn vẫn là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Tuy nhiên, đại đa số lao động nông thôn đều chưa qua đào tạo. Vì vậy, đào tạo nghề cho lực lượng này được xem là cách
Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp
Thanh niên Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) được học nghề mây tre đan, có việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Bảo Lâm
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) Phạm Hùng cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một tiêu chí quan trọng. Công tác đào tạo nghề tạo ra cơ hội để tạo chuyển biến, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, cung cấp nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có nghề trong tay, nông dân có việc làm, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập, mức sống. Như vậy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính là nội lực thành công của mô hình nông thôn mới.
Thực tế để đạt được đích trên là cả chặng đường dài. Vào thời điểm hiện nay, trình độ học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của lao động nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung. Cụ thể, lao động có trình độ THPT chỉ chiếm 13,7%, tốt nghiệp trung học cơ sở 34,6%, tiểu học 20%. Tỷ lệ trẻ em bỏ học ở vùng nghèo, nhất là trẻ em nữ, là thách thức lớn. Cho đến nay, 83% lực lượng lao động nông thôn chưa qua đào tạo, chỉ có hơn 2% có bằng cao đẳng hoặc đại học (khoảng 0,7 triệu người), 3% tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, 3% có chứng chỉ sơ cấp hoặc tập huấn nghề ngắn hạn, có tới 8,7% (gần 2,9 triệu người) gọi là công nhân kỹ thuật nhưng chưa được cấp bất kỳ loại văn bằng hoặc chứng chỉ nghề nghiệp nào.
Trong khi đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong suốt thời kỳ dài chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức. Các cơ sở dạy nghề tập trung nhiều ở đô thị lớn, còn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất ít.
Huy động tổng lực
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nghề cho lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên khi thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới, nguồn nhân lực đã được lồng ghép ở nhiều chương trình, đề án khác nhau. Trong đó đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đề án lớn nhất trong đào tạo nghề từ trước đến nay, nhiều về nội dung, lớn cả về quy mô và kinh phí thực hiện có vai trò quan trọng với 3 phần: nâng cao năng lực cho nông dân sản xuất nông nghiệp, dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian nông nhàn và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.
Đánh giá cao sự ra đời của đề án nhưng các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, để thực hiện thành công việc đào tạo nghề cho nông dân cần phải thay đổi cung cách đào tạo để người dân tự quyết định ngành nghề, chọn trường phù hợp với nhu cầu bản thân, điều kiện sinh sống chứ không phải là hoạt động có tính phong trào, nhất thời. Trường đào tạo nghề không chỉ gói gọn trong cơ sở dạy nghề công lập. Trong đó chương trình đào tạo, hình thức, phương thức đào tạo, truyền đạt, địa điểm dạy và học được tổ chức tại cơ sở, gắn với ruộng vườn; thời gian đào tạo phù hợp với tập quán canh tác. Trong tất cả các mô hình trên, huy động "chất xám" của các viện nghiên cứu, các trường đại học, sự tham gia giảng dạy của những lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, các nghệ nhân làng nghề.. theo kiểu nghề truyền nghề sẽ tạo hiệu quả rõ rệt và có hiệu ứng lan truyền.
Như vậy, để xây dựng được những mô hình nông thôn mới, để miền núi tiến kịp miền xuôi, để nông thôn theo sát được thành thị thì nhất thiết phải tăng tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp được đào tạo nghề. Và điều quan trọng nhất đó là lao động nông thôn được học nghề theo sở trường và theo điều kiện kinh tế của từng địa phương, vùng miền thì họ mới có cơ hội thực hành, cơ hội phát triển kinh tế hộ cá thể và kinh tế vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.