(HNM) - Bà Thu, nhà ở ngõ 120 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, nhân ngày giỗ mẹ chồng đã mời bạn bè, người thân đến nhà dùng cơm. Khi tuần hương đã gần cháy hết, bà Thu lấy số vàng mã trên bàn thờ mang ra góc sân đốt và gom tro hóa vàng vào túi ni lông, rồi vội bước ra cổng. Thấy vậy, bạn bà là bà Hương hỏi:
- Chị mang túi tro hóa vàng đi đâu đấy, sao không để vào thùng rác?
- Ấy chết, sao lại để vào thùng rác! Tro hóa vàng là linh thiêng, mình mang gửi cho ông bà tiên tổ nên để vào đó sẽ ô uế… Chị phải mang rải xuống mặt nước sông, hồ thì ông bà tiên tổ mình mới dễ dàng nhận được để thụ hưởng!
Bà Hương nắm tay bà Thu giải thích:
- Đó là quan niệm hủ tục, không có cơ sở khoa học. Nhiều nhà sư đã giải thích, đốt nhiều vàng mã đâu có tốt, chuyện mang rải tro hóa vàng xuống sông, hồ lại càng không tốt, gây ô nhiễm môi trường. Theo em, chị không nên rải tro hóa vàng xuống sông, hồ.
Sau khi nghe bà Hương phân tích, có vẻ bà Thu nhận thức được đúng - sai, nên nói:
- Ừ, em nói phải, vậy mà lâu nay chị vẫn u mê. Có lẽ từ nay, chị không chỉ hạn chế việc đốt vàng mã cho đỡ tốn kém, mà còn từ bỏ luôn việc mang tro hóa vàng rải xuống sông, hồ.
Nghe cuộc trò chuyện này, Người Xây Dựng thấy, trong cuộc sống vẫn có không ít người mê tín dị đoan, cứ nghĩ hành động mang tro hóa vàng rải xuống sông, hồ là có hiếu với tiên tổ mà không nghĩ rằng việc làm này đang gây ô nhiễm môi trường. Thật đáng khen bà Hương vì có suy nghĩ tích cực, đã giải thích để người khác hiểu, thay đổi thói quen vừa gây lãng phí, vừa có hại cho môi trường này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.