(HNM) - Khoảng 12% người được hỏi cho biết phải hối lộ để được phục vụ ở bệnh viện; 30% cho biết phải hối lộ khi con học tiểu học (năm 2012, con số này lần lượt là 10% và 12%); 26% cho biết phải hối lộ khi xin cấp phép xây dựng; 33% cho biết phải "lót tay" để có kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 56,33% người được hỏi khẳng định bị vòi vĩnh nhưng cho rằng tố cáo cũng không mang lại lợi ích gì...
Đây là những số liệu liên quan đến chỉ số "Kiểm soát tham nhũng" dựa trên thông tin thu thập từ 3.552 người được chọn ngẫu nhiên, đại diện các nhóm nhân khẩu trên cả nước tham gia khảo sát về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2014 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận tổ quốc Việt Nam, chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa công bố.
Những con số này nói lên điều gì? Trước hết, nó cho thấy một thực tế không mới nhưng vẫn nguyên tính thời sự xung quanh một khái niệm đã được định danh: Tham nhũng vặt. Điều cần quan tâm ở đây là các con số khảo sát được công bố lại liên quan các lĩnh vực y tế, giáo dục... vốn có tác động trực tiếp đối với tuyệt đại đa số người dân, đồng thời là những vấn đề then chốt của an sinh xã hội. Thứ hai, những con số thống kê cũng cho thấy xu hướng rất đáng lo ngại khi đặt trong tương quan với kết quả khảo sát trước đó: Sự gia tăng của tham nhũng vặt.
Trên thực tế, tham nhũng đã được nhận diện là một thứ giặc nội xâm, có nguy cơ kéo lùi sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách và trên thực tế đã triển khai quyết liệt để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi quốc nạn này. Trong các loại tham nhũng, tham nhũng vặt là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bức xúc xã hội, đồng thời khiến người dân mất niềm tin vào cơ quan công quyền và ở không ít trường hợp, một số đã có những phản ứng tiêu cực với đối tượng, bộ phận phát sinh tham nhũng như bệnh viện, trường học, cán bộ địa chính... Lý do là tham nhũng vặt hầu như "dính" đến quyền, lợi ích, nhu cầu thiết thân, sát sườn của người dân. Trong một dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn đánh giá: Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu.
Kết quả khảo sát nêu trên đã cung cấp những thông tin hết sức quan trọng để trên cơ sở này, các địa phương, đơn vị tự điều chỉnh cũng như cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, đưa ra những biện pháp ngăn chặn tham nhũng vặt hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đây là một quá trình lâu dài, trong đó phải xây dựng được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế để không cần tham nhũng. Tức là, vấn đề then chốt trong chống tham nhũng nói chung, chống tham nhũng vặt, "tiêu cực nhỏ lẻ", "lót tay"... nói riêng vừa cần sự đồng bộ của yếu tố pháp lý để không còn kẽ hở cho tiêu cực cũng như xử lý nghiêm khắc đối tượng có tiêu cực, đồng thời phải nâng cao mức sống cho cán bộ, nhân viên một cách tương đối. Để rút ngắn quá trình lâu dài này đòi hỏi sự thay đổi hoàn toàn về tư duy trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân từ chỗ thay vì xem người dân là đối tượng "cầu cạnh", "nhờ vả" bằng tư duy phục vụ.
Chỉ khi xem người dân là chủ thể phục vụ trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội ở cả cơ quan hành chính lẫn các đơn vị sự nghiệp thì cơ quan chức năng mới thực sự xây dựng được cơ chế bảo đảm "ba không" như đã đề cập ở trên. Và cũng chỉ khi người dân là chủ thể phục vụ thì tham nhũng vặt mới không còn đất sống. Tư duy này cần được xem như "sợi chỉ đỏ" trong mọi quá trình, hoạt động ban hành chính sách, triển khai thực hiện phòng chống tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.