Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay da đổi thịt từng ngày

Đào Huyền| 19/01/2011 07:45

(HNM) - Trong những ngày cả nước rợp cờ hoa, lòng người phấn khởi và tin tưởng hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chúng tôi trở về với 7 xã nghèo của huyện Sóc Sơn để được tai nghe mắt thấy những đổi thay của vùng quê này…


Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống


Chăm sóc ngô tại xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn).  Ảnh: Trung Kiên

Sóc Sơn vốn là huyện ngoại thành có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất TP. Để giúp đỡ các xã nghèo vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, năm 2003, UBND TP đã quyết định phê duyệt dự án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội nhằm giảm nghèo ở 8 xã còn nhiều hộ nghèo là Bắc Phú, Đông Xuân, Xuân Giang, Tân Minh, Minh Trí, Tân Dân, Hiền Minh và Quang Tiến. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) Lê Thiết Cương cho biết, trong dự án tổng thể được TP phê duyệt có 5 dự án thành phần, đó là các dự án: hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo cách làm ăn; đầu tư hệ thống giao thông nông thôn; đầu tư các công trình thủy lợi; hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn; hỗ trợ đầu tư cải tạo chợ nông thôn. Dự án được triển khai từ năm 2004-2007 đã hỗ trợ cho 2.904 hộ nghèo và cận nghèo (đạt 96%) ở 8 xã trong vùng dự án phát triển sản xuất. Trong thời gian triển khai, các địa phương đã xây dựng thành công 53 mô hình trình diễn chăn nuôi, trồng trọt với 1.354 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất đại trà chăn nuôi, trồng trọt cho 1.550 hộ nghèo, cận nghèo, cấp phát giống, vật tư đến cho người nghèo.

Từ sự thành công đó, UBND TP lại tiếp tục phê duyệt triển khai dự án tại 7 xã tiếp theo của huyện bao gồm Bắc Sơn, Nam Sơn, Tân Hưng, Việt Long, Kim Lũ, Xuân Thu và Đức Hòa. Theo ông Lê Thiết Cương, trong năm 2010, tổng số vốn ngân sách chi cho dự án đạt gần 15 tỷ đồng đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn các xã nghèo trong huyện. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt cho biết, thực hiện nghị quyết của UBND TP về công tác xóa nghèo tại 7 xã của huyện, UBND huyện đã tổ chức kiện toàn ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo từ huyện đến cơ sở, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các khâu công việc nên công tác xóa nghèo đã đạt được kết quả tốt. Đây là việc làm phải quan tâm thường xuyên mới đạt hiệu quả.

Khởi sắc nông thôn mới

Nông thôn tại 7 xã nghèo đang ngày một khởi sắc, trong cái lạnh buốt của thời tiết chúng tôi vẫn cảm nhận rõ nét một sức sống mãnh liệt đang lan tỏa tại miền quê này. Trên cánh đồng, đâu đâu cũng thấy người dân hăng say sản xuất. Đánh giá hiệu quả dự án, ông Lê Thiết Cương cho biết, với mức hỗ trợ 60% con giống, 40% vật tư phân bón ở năm thứ nhất, hộ sản xuất đại trà được hỗ trợ giảm dần theo 3 năm sẽ giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Từ khi thực hiện dự án, đã có 11 mô hình trình diễn chăn nuôi trồng trọt đạt hiệu quả cao với 230 hộ nghèo, cận nghèo tham gia; tổ chức tập huấn tiến bộ kỹ thuật mới cho 11.200 lượt người các hộ nghèo; thực hiện phát triển sản xuất đại trà, cung cấp lúa mùa cho 1.755 hộ thuộc 7 xã; cấp vốn cho 199 hộ tham gia loại hình trồng chè kết hợp chăn nuôi tại xã Bắc Sơn và Việt Long; 30 hộ trồng rau an toàn kết hợp chăn nuôi lợn thịt tại xã Kim Lũ và Việt Long;… Đồng thời cung cấp các giống bò, cá rô phi đơn tính... cho các hộ phát triển chăn nuôi. Nói như cách nói của Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn thì dự án đã cung cấp cả “cần câu” và “mồi” để người nông dân phát triển sản xuất. Nhờ có dự án, hệ thống thủy lợi được cải tạo, tạo điều kiện cho bà con sản xuất hoa màu, lúa, chăn nuôi thủy sản. Trong năm 2010, dự án đã hỗ trợ được 2.470 hộ nghèo trong sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế.

Không dừng lại ở 7 xã nghèo đó, dự án cũng giúp huyện miền núi Sóc Sơn "thay da đổi thịt". Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Nguyệt, trong năm 2010, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện đã mở 174 lớp tập huấn cho 11.588 lượt hộ nghèo với tổng số tiền trên 500 triệu đồng cho nông dân phát triển sản xuất, nuôi trồng và phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; cấp 7.479 kg giống lúa mùa cho 1.755 hộ nghèo,… Với sự trợ giúp kịp thời đó, năm 2010 huyện Sóc Sơn đã giúp 1.702 hộ nghèo, vượt hơn 6% so với kế hoạch.

Chi cục trưởng Chi cục PTNT Lê Thiết Cương cho biết thêm, năm 2011, Chi cục PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Sóc Sơn triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Điều mong mỏi của người dân hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng chính sách xã hội TP. Điều đáng lưu ý, dự án cần tăng cường hướng dẫn hộ nghèo tiếp cận khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ tại các xã để giúp bà con thuận lợi thông thương các sản phẩm. Các dự án phải được triển khai đồng bộ, quan tâm đến đối tượng nghèo chuẩn do xã chọn lựa, tổ chức giám sát cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Lê Sỹ Nung đề nghị, TP và các cấp cần quan tâm hơn nữa đến các xã nghèo xa xôi, cần tăng phụ cấp cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay da đổi thịt từng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.