(HNM) - Như một cách bào chữa gián tiếp cho tình trạng nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng đáng ngờ, ẩn chứa nguy cơ dịch bệnh, có hại cho sức khỏe cộng đồng... lãnh đạo một số ngành có trách nhiệm trong lĩnh vực này đã đưa ra một số giải pháp trước mắt.
Nhiều siêu thị công bố kế hoạch giảm lượng hàng nhập, không tiêu thụ hàng kém chất lượng; tăng số lượng, chủng loại hàng nội, trước hết là nông sản, thực phẩm, để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ hàng trong nước. Còn các vị chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm cộng đồng thuộc Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT thông báo thực trạng "nguy cơ vi sinh" (dư lượng hóa chất độc hại trong hoa quả, thực phẩm nhập) trên thị trường bán lẻ nông sản hiện nay. Bất chấp những nỗ lực trấn an dư luận của họ, báo chí, người tiêu dùng vẫn đánh giá những giải pháp ấy chỉ tạm thời, đối phó; và quan điểm, thái độ của họ trước tình hình này là "thiếu trách nhiệm".
"Gà thải" là thuật ngữ chuyên môn chỉ loại gà đẻ công nghiệp "đã hết hạn sử dụng", phải loại bỏ khỏi chuỗi thức ăn dành cho người và chỉ có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho chăn nuôi. Tuy vậy, trong một thời gian dài, loại gà thải này sau khi đã "tân trang", đóng gói, được nhập vào Việt Nam và bày bán tại các siêu thị. Nó rất được ưa chuộng, lợi nhuận nhanh và cao cho đến khi có lệnh ngừng nhập để điều tra sau khi báo chí đưa tin về nguồn gốc và chức năng thực sự của nó. Vậy mà một vị giám đốc siêu thị vẫn khẳng định: Gọi là gà thải chứ thực tình tôi thấy nó chẳng có gì đáng thải. Trông nó thật ngon lành, không độc hại và rất phù hợp với túi tiền người mình. Vì ưu tiên hàng nội, chúng tôi thôi nhập và mất đi một lượng doanh thu đáng kể. Nông sản của ta thường đắt hơn, chất lượng, số lượng lại bấp bênh nên mua bán vất vả hơn, lợi nhuận ít hơn. Như mấy củ cà rốt chẳng hạn. Nếu nhập giá bán lẻ tại quầy chỉ 18 nghìn một ký, trông lại rất bắt mắt; còn của ta những 25 nghìn, mà chẳng mấy tươi ngon... Nhưng vị này chỉ "quên" không nói là thứ 18 "bắt mắt" và thứ 25 "chẳng mấy tươi ngon", thứ nào an toàn hơn, có lợi hơn cho người tiêu dùng?
Còn thái độ, cách lý luận của hai vị chịu trách nhiệm "an toàn thực phẩm" cho xã hội mới thật không hiểu nổi. Phía ngành nông nghiệp cho rằng chỉ chừng 30% rau quả nhập là ẩn chứa "nguy cơ vi sinh"; nhưng, theo bên y tế thì nguy cơ đó sẽ bị triệt tiêu nếu chúng ta "chịu khó ăn chín uống sôi". Còn phía ngành y tế còn đơn giản hơn: Nếu nói "nguy cơ vi sinh" thì đâu cũng có nguy cơ đó vì không khí ta thở không chỗ nào không "vi sinh"; vì vậy không nên thổi phồng nguy cơ vi sinh. Mà nếu nó có, thì nó cũng chỉ nguy hại cho những người không có thói quen "ăn chín uống sôi".
Hai ngành có liên quan này cùng thống nhất rằng, để tránh nguy cơ ấy nên thận trọng khi mua hàng, không nên mua những thứ đáng ngờ; thường xuyên đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, làm theo lời khuyên của chuyên gia, khuyến cáo của nhà chức trách...
Có thể nói gì về "giải pháp" đó? Rằng quá quan liêu? Quá xa rời thực tế? Quá coi thường dư luận, coi thường sức khỏe người dân? Tất cả đều đúng. Đúng là các vị quản lý đang thiếu trách nhiệm với đồng bào, với nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.