Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắt chặt nhịp cầu Đông - Tây

Quỳnh Chi| 19/07/2011 05:26

(HNM) - Mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Đức đang ngày càng được củng cố và có những tín hiệu tốt đẹp. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm Đức hai ngày của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev bắt đầu từ 18-7 cùng đoàn tùy tùng gồm 20 bộ trưởng và lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn ở xứ Bạch dương.

Nữ Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Nga D.Medvedev trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hanover.


Chuyến thăm của người đứng đầu nước Nga diễn ra chỉ ít ngày sau khi Tập đoàn Khí đốt quốc gia Nga Gazprom và Tập đoàn Năng lượng thứ hai của Đức RWE thông báo chiến lược tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Điều này không chỉ nhấn mạnh trọng tâm hợp tác giữa Nga và Đức mà còn khẳng định vị trí dẫn đầu của Berlin trong cuộc đua giữa các quốc gia cùng khu vực nhằm tìm kiếm hợp đồng hợp tác với Mátxcơva trong lĩnh vực này. Giới quan sát nhận định, đây là một bước đi hướng tới tương lai của Berlin khi quyết theo đuổi chính sách bãi bỏ năng lượng nguyên tử vào năm 2022. Dù quyết định khai tử điện hạt nhân sẽ tạo ra động lực để nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch, tạo cơ hội đưa Đức trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, song trong vòng 10 năm tới, nước này vẫn cần một nguồn cung bên ngoài để bù đắp 22% lượng điện nếu các nhà máy hạt nhân bị khai tử. Việc thắt chặt quan hệ với Nga - cường quốc hàng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt và thứ hai thế giới về xuất khẩu dầu mỏ - sẽ giúp "cỗ máy kinh tế số 1" châu Âu vơi bớt mối lo năng lượng về trung hạn.

Không phải đến thời điểm này Đức mới chú trọng tới chính sách thúc đẩy hợp tác năng lượng với Nga mà chính sách này đã nằm trong chiến lược đối ngoại của Berlin suốt một thập kỷ qua. Điều này được thể hiện trong những hợp đồng hợp tác gần đây giữa hai nước mà các dự án khai thác dầu ở Nga là ví dụ điển hình. Trong khi Royal Dutch Sell của Hà Lan và BP của Anh bị loại khỏi các dự án khai thác dầu thì E.On của Đức lại được ưu ái dành cho 25% dự án Yuzhno-Russkoye, một trong những dự án lớn nhất thế giới. Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Siemens của Đức cũng đã tuyên bố ngừng hợp tác với Areva của Pháp và thay vào đó chọn Rosatom của Nga làm đối tác trong lĩnh vực hạt nhân...

Về phía Berlin, thắt chặt quan hệ hợp tác với Mátxcơva không chỉ khẳng định tầm quan trọng của Nga trong chính sách đối ngoại của Đức mà còn thể hiện rõ nét chiến lược hướng Đông mà Berlin theo đuổi suốt thời gian qua. Ngược lại, với Nga, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất tại châu Âu. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm rung chuyển nền kinh tế thế giới thời gian qua càng cho thấy, cuộc gặp thượng đỉnh lần này là một khẳng định chính sách xích lại gần nhau trong nhịp nối Đông - Tây từng bị lu mờ dưới Chiến tranh lạnh. Bất chấp những hậu quả mà cơn địa chấn tài chính toàn cầu gây ra, kim ngạch thương mại song phương Nga - Đức vẫn duy trì ở mức cao, gấp hơn 3 lần trong thập kỷ qua, từ 15 tỷ USD năm 1998 lên tới 51,8 tỷ USD năm 2010. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay kim ngạch thương mại song phương đã đạt gần 21 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống D.Medvedev và Thủ tướng Đức A.Merkel tại thành phố Hanover lần này, ngoài năng lượng và những vấn đề song phương, đa phương cùng quan tâm, hai bên dự định ký kết 12 văn kiện hợp tác, trong đó, đáng chú ý là Tuyên bố chung về tiến hành Năm Liên bang Nga tại Đức và Năm Đức tại Liên bang Nga 2012-2013, Tuyên bố chung về mở rộng hợp tác nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa và các hiệp định hợp tác về khoa học - kỹ thuật, tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Với bước hợp tác mới vừa mở ra, kỳ vọng của hai nhà lãnh đạo nhằm khôi phục kim ngạch trao đổi hàng hóa ngang với mức trước khủng hoảng - khoảng 60-70 tỷ USD/năm - là hoàn toàn có cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt nhịp cầu Đông - Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.