Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắt chặt kiểm soát tiền tệ, ưu tiên sản xuất, kinh doanh

Võ Lâm| 19/03/2011 06:10

Sẽ tăng chế tài xử phạt vi phạm kinh doanh ngoại tệ, vàng miếng * Quyết tâm thực hiện giá xăng dầu theo thị trường (HNM) - Gần một tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, hôm qua 18-3, Thủ tướng Chính phủ chủ trì giao ban trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế, nhằm kiềm chế lạm phát. Ảnh: Huy Hùng


Khẳng định hiệu quả của Nghị quyết 11
Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ ban hành ngày 24-2-2011 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Dù chưa đầy một tháng triển khai, Nghị quyết 11 đã cho thấy những tín hiệu hết sức tích cực. Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2010. Các ngành, lĩnh vực tiếp tục có chuyển biến tốt, tiêu biểu là sản xuất công nghiệp với giá trị ước tăng 14,7%, cao hơn mức bình quân cả năm 2010, nông nghiệp đang vừa được mùa, vừa được giá. Ngoài ra, xuất khẩu quý I có thể tăng tới 31%, cao gấp 3 lần kế hoạch đề ra, các hoạt động dịch vụ cũng rất sôi động, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế với 6,2%. Các cân đối vĩ mô khác cũng đang có xu hướng thuận lợi.

Từ đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, TP đã khẩn trương triển khai ngay các biện pháp, giải pháp thực hiện. TP đã tiến hành rà soát các dự án đầu tư công, bước đầu đề xuất đình hoãn, giãn tiến độ 17 dự án do TP quản lý và 109 dự án do quận, huyện quản lý, dự kiến giảm được trên 200 tỷ đồng. TP cũng đã có quyết định về tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 9 tháng còn lại với trên 280 tỷ đồng. Điều đáng mừng là tăng trưởng quý I của Hà Nội đạt 9,2%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng làm tốt việc bình ổn giá và có chỉ số CPI dưới mức trung bình của cả nước. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, TP Hồ Chí Minh đã có sáng kiến vận động được 1.590 chủ cho thuê nhà không tăng giá và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP vận động các hội viên tiết kiệm ít nhất 10% điện năng sử dụng hằng tháng. Các thông tin từ TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Lào Cai, Kiên Giang, Đắc Lắc, Hà Tĩnh trực tiếp báo cáo cũng cho thấy việc triển khai Nghị quyết 11 đang rất tích cực.

Không làm lỡ cơ hội của doanh nghiệp
Các địa phương đều có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành TƯ nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 11. Hà Nội có 5 kiến nghị, trong đó, đề xuất với TƯ cho phép khởi công và đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2011, đầu năm 2012; bổ sung vốn ngân sách TƯ cho công trình cầu Vĩnh Tuy 283 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2011 để thanh toán cho các khối lượng xây lắp đã hoàn thành. TP cũng kiến nghị TƯ có hướng dẫn cụ thể việc tạm dừng mua sắm ô tô, làm rõ "thế nào là lớn" trong mua sắm tài sản công ở địa phương và hướng dẫn điều chuyển tiền tiết kiệm chi thường xuyên để sử dụng hiệu quả. Đây cũng là nội dung được nhiều lãnh đạo địa phương khác đề cập.

Các địa phương cũng cho rằng, việc điều tiết điện và nguồn vốn tín dụng cần phải linh hoạt để bảo đảm không làm mất cơ hội của những doanh nghiệp có khả năng góp phần thực hiện Nghị quyết 11, đồng thời không "điều tiết" nhầm cho các đơn vị đóng góp kém. Các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp vì cho rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ đồng thời đạt được 3 mục tiêu: bảo đảm an sinh xã hội, bình ổn giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đánh giá cao sáng kiến của các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhắc tới việc các ông chủ nhà hàng Nhật Bản cam kết giảm giá trong bối cảnh đất nước khó khăn, đồng thời đề nghị các địa phương thi đua sáng kiến trong việc thực hiện Nghị quyết 11, trong đó vận động tinh thần sẻ chia trách nhiệm của các doanh nghiệp, người kinh doanh…

Bình ổn giá là biện pháp góp phần kiểm soát tình hình lạm phát. Ảnh: Phương An

Tăng cường tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất
Kết luận cuộc giao ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các địa phương đã bước đầu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11, đặc biệt là có nhiều sáng kiến thiết thực. Cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn ngoài dự liệu, Thủ tướng khẳng định việc thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện
để đi sâu vào chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có những thuận lợi từ đà phát triển của năm 2010 như GDP tăng 6,78%, công nghiệp phục hồi 2 con số…


Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc Nghị quyết 11 và kết luận của Bộ Chính trị, trong đó nhất định phải làm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời phải bảo đảm các điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ, việc kiểm soát dư nợ dưới 20% là biện pháp quan trọng, nhưng không được làm "ách tắc" sản xuất. Các địa phương triển khai ngay việc rà soát các doanh nghiệp, sản phẩm có lợi thế để làm căn cứ điều hành về vốn và điện thúc đẩy sản xuất, bảo đảm hiệu quả tối đa. Lãi suất ngân hàng phải được kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng nên giảm lương thưởng để chia sẻ với đất nước trong lúc khó khăn. Bộ Công an cùng với các bộ, ngành khác và các địa phương phải duy trì tốt việc kiểm soát kinh doanh ngoại tệ, vàng miếng ít nhất là như hiện tại. Thủ tướng cũng đồng ý yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tăng mức phạt vi phạm kinh doanh ngoại tệ và vàng miếng như đề xuất của Bộ Công an.

Về chi tiêu ngân sách, các địa phương phải nhanh chóng làm rõ khoản tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10%, ngoài ra phải tiếp tục rà soát để tăng cường tiết kiệm. Trong đó, không tổ chức đi nước ngoài không có mục đích, hiệu quả rõ ràng. Các bộ, ngành không tổ chức hội nghị tập trung, phải tăng cường giao ban trực tuyến. Các địa phương cũng phải triển khai vận dụng mô hình này. Về cắt giảm đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương rà soát, công bố con số cụ thể vào đầu tháng 4 để phục vụ cân đối vĩ mô. Chính phủ thống nhất không ứng trước vốn ngân sách năm 2012. Liên quan đến giá cả, Thủ tướng cũng cho biết, dù khó khăn, nhưng Chính phủ kiên quyết điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường song song với các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát và bình ổn giá cả. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tính toán biện pháp hạn chế nhập khẩu ô tô sang và dùng công cụ thuế đối với nhà biệt thự bỏ hoang.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Trước hết là việc hỗ trợ về tiền điện cho các hộ nghèo và các chính sách xã hội khác bảo đảm kịp thời, thuận lợi, không để dân bị đói, không để học sinh bỏ học vì khó khăn kinh tế.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt kiểm soát tiền tệ, ưu tiên sản xuất, kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.