(HNM) - Nền kinh tế Việt Nam sắp khép lại một năm đầy sóng gió với nhiều thách thức. Với chính sách tài khóa thắt chặt, phương hướng điều hành thận trọng, linh hoạt, Chính phủ đã
Thông qua việc quyết liệt cắt giảm đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, nâng cao hiệu quả thu ngân sách, giãn - giảm thuế để thực hiện "khoan, thư sức dân” nền kinh tế trong năm qua đã giữ vững những chỉ tiêu kinh tế cơ bản. Song theo dự báo, 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách.
Năm 2011, Chính phủ chỉ dành ưu tiên nguồn vốn cho các dự án trọng điểm. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
"Công cụ mạnh" giữ ổn định kinh tế
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng chính sách tài khóa linh hoạt đóng vai trò đặc biệt quan trọng... là những nội dung được thảo luận tại Hội thảo khoa học "Chính sách tài khóa ổn định kinh tế vĩ mô" do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 21-12 tại Hà Nội.
Mặc dù chưa có con số chính thức, song số liệu thống kê sơ bộ tại các bộ, ngành chức năng cho thấy, những chỉ tiêu kinh tế cơ bản như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng thu ngân sách, vốn hỗ trợ ODA… của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt mức cao. Theo các chuyên gia kinh tế, những kết quả trên có được là do nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã thực hiện. Những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là những định hướng quan trọng giúp kinh tế từng bước vượt qua khó khăn.
Được coi là một trong những "công cụ mạnh" và hiệu quả để thực hiện điều tiết kinh tế vĩ mô, trong năm 2011, chính sách tài khóa (gồm hai bộ phận chủ yếu là thu - chi ngân sách để tạo lập quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) phục vụ yêu cầu phát triển KT - XH) đã được Chính phủ thực hiện thận trọng, linh hoạt. Bên cạnh việc kiên quyết cắt giảm đầu tư công, chống thất thu ngân sách và giảm nợ đọng thuế, Chính phủ đã thực hiện giãn, giảm thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu cho người dân, DN và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, đối tượng chính sách…
Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nền kinh tế đã có những hiệu ứng tích cực sau khi Nghị quyết 11 được triển khai. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD tương đối ổn định; đầu tư công giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư toàn xã hội tăng 5%. Đặc biệt, tỷ lệ nhập siêu đã giảm mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại và GDP quý II đã tăng cao hơn quý I…
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ những mặt hạn chế trong việc thực hiện chính sách tài khóa từ năm 2008 đến nay. TS Phạm Tiến Đạt (Học viện Ngân hàng) nhận định, tỷ trọng thu NSNN vẫn chưa hoàn toàn dựa trên nền tảng tăng trưởng mà vẫn phụ thuộc vào các khoản thu từ dầu thô, bán và cho thuê nhà đất. Dự toán thu chi NSNN chưa sát thực tế, dẫn đến tình trạng chi vượt dự toán nhiều năm, làm ảnh hưởng đến kỷ luật tài khóa, gây khó khăn cho công tác điều hành NSNN. Mức độ thu NSNN chủ yếu tập trung ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nên nhiều địa phương vẫn chưa tự cân đối được ngân sách. Bên cạnh đó, hiệu quả chi NSNN vẫn chưa cao, tình trạng đầu tư dàn trải vẫn diễn ra tại nhiều nơi. Đặc biệt, tỷ lệ bội chi NSNN vẫn ở mức cao khiến thâm hụt ngân sách hiện vẫn là mối quan ngại đáng được lưu tâm.
Lời giải cho chính sách tài khóa 2012
TS Phạm Tiến Đạt nêu ý kiến, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI đã nêu rõ chiến lược phát triển KT - XH 10 năm giai đoạn 2011-2020. Theo đó, chính sách tài khóa những năm tới sẽ tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cần huy động mọi nguồn lực tài chính phục vụ yêu cầu phát triển KT - XH; xây dựng chính sách phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính bằng cách nâng cao hiệu quả đầu tư theo ngành, vùng, miền. Yêu cầu thực hiện cân đối thu, chi ngân sách, giảm dần bội chi NSNN thông qua việc hạn chế tối đa tình trạng bổ sung ngoài dự toán, ứng trước dự toán chi đầu tư năm sau… cần thực hiện nghiêm để bảo đảm kỷ luật về bố trí và điều hành NSNN. Công tác kiểm soát vốn đầu tư công và quản lý chặt chẽ nợ công cần được giám sát chặt chẽ. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, khả năng tài chính của nước ta sẽ được giữ vững và mở rộng, qua đó, bảo đảm an ninh tài chính và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù còn có ý kiến khác nhau, song các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, phương châm điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, theo hướng thận trọng, linh hoạt sẽ là lời giải phù hợp cho bài toán ngân sách năm 2012, giúp giữ vững an ninh tài chính, đồng thời thu hút nhiều nguồn lực để phục vụ mục tiêu phát triển KT - XH trong những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.