(HNM) - Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm toàn diện đến người có công với cách mạng. Điều này góp phần động viên người có công vươn lên trong cuộc sống, đồng thời bồi đắp và thắp sáng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đào Ngọc Lợi xung quanh hoạt động tri ân, chăm sóc người có công.
Quan tâm toàn diện đến người có công
- Việc thực hiện chính sách ưu đãi những người có công với cách mạng luôn được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác này?
- Hiện, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó gần 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trung bình mỗi năm, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.000-8.000 người; đưa hơn 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ về giáo dục cho khoảng 40.000 lượt người có công và thân nhân. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được điều chỉnh tăng, phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Giai đoạn 2012-2020, mức trợ cấp đã tăng khoảng 40% so với giai đoạn trước (hiện nay là 1.624.000 đồng); hơn 4.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị chăm lo, phụng dưỡng.
- Các cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở luôn phấn đấu bảo đảm 100% gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Cần có những giải pháp gì để đạt mục tiêu này, thưa đồng chí?
- Các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đến đông đảo người dân. Hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động này, các tầng lớp nhân dân đã nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần chăm lo đời sống cho người có công. Riêng năm 2020, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, qua đó tặng hơn 52.000 sổ tiết kiệm, xây dựng mới, sửa chữa hơn 54.000 nhà tình nghĩa...
Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”; Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”. Các chính sách đi vào đời sống đã tạo điều kiện cho hơn 400.000 hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến nay, cả nước cơ bản không còn hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở…
Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, đánh giá mức sống của các gia đình người có công và nhu cầu của họ, từ đó đưa ra hướng hỗ trợ phù hợp. Đến thời điểm này, tuyệt đại đa số hộ gia đình người có công ở nước ta có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
- Xin đồng chí cho biết, công tác giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được triển khai ra sao?
- Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã xem xét giải quyết được hơn 6.000 trường hợp hồ sơ còn tồn đọng; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 2.000 liệt sĩ, thẩm định hơn 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Đến cuối năm 2020, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ tại các địa phương, cơ quan công an, quân đội đã được giải quyết căn bản.
Ngoài ra, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN (gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ) để bàn giao cho các đơn vị giám định tiến hành thực hiện…
Nỗ lực đưa các chính sách vào đời sống
- Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người có công, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã được Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9-12-2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn một số điểm mới nổi bật của pháp lệnh này?
- Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 7 chương, 58 điều, bổ sung nhiều chính sách mới. Cụ thể, pháp lệnh bổ sung một số đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công, như: Người bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng. Đối tượng được bổ sung khác là vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác, nhưng nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống…
Pháp lệnh cũng quy định mức trợ cấp hằng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn; chuẩn hóa về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công phù hợp với từng giai đoạn cụ thể…
- Với vai trò là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công, Cục Người có công đang triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) như thế nào, thưa đồng chí?
- Để chính sách đi vào đời sống, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của pháp lệnh, Cục Người có công chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện tại, các dự thảo nghị định này đã cơ bản hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể những nội dung của pháp lệnh sửa đổi về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xác nhận và giải quyết ưu đãi người có công… Trong khi đó, Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng quy định cụ thể các mức trợ cấp ưu đãi mỗi năm một lần, trợ cấp ưu đãi được xác định theo mức chuẩn, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết…
- Vậy, trước mắt, dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, các cơ quan chức năng có những hoạt động gì để tri ân người có công?
- Đã trở thành nét đẹp truyền thống, dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành sẽ đi thăm, tặng quà một số tập thể, cá nhân người có công tiêu biểu. Ở cấp cơ sở, các địa phương duy trì những hoạt động thường niên như thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến… tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tất cả các hoạt động được triển khai phù hợp với bối cảnh có dịch Covid-19, đặc thù của từng địa phương.
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chuyển quà của Chủ tịch nước, của UBND các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã đến người có công và thân nhân, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng. Cùng với đó, các địa phương vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; đầu tư nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách…
Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, thế hệ hôm nay tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.