(HNM) - Với nhiều thay đổi dự kiến được điều chỉnh trong các kỳ thi từ năm 2012, không ít người dân đang kỳ vọng con em mình sẽ có thêm động lực và bước vào một mùa thi nhẹ nhàng, bớt vất vả và đạt hiệu quả cao hơn.
"Cởi trói" cho thi tốt nghiệp
Ba quy định dự kiến sẽ được bãi bỏ từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 gồm: Tổ chức thi theo cụm trường, chấm chéo các bài thi tự luận và sử dụng lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ giám sát tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương. Dù chưa có quyết định chính thức, song hầu hết lãnh đạo, giáo viên các nhà trường đều cho biết khá thoải mái và tự tin khi được Bộ GD-ĐT yên tâm giao nhiệm vụ tổ chức một kỳ thi quốc gia quan trọng.
Các kỳ thi từ năm 2012 sẽ được điều chỉnh ở một số điểm mới. Ảnh: Viết Thành |
Để góp phần hiệu quả cùng "hai không", siết chặt kỷ cương trường thi với mong muốn kỳ thi phản ánh được chất lượng dạy và học thực chất, ba năm trở lại đây, các quy định trên đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT triển khai tại các địa phương. Kết quả đỗ tốt nghiệp của các nhà trường cách đây ba năm dường như không làm hài lòng nhiều vị lãnh đạo địa phương, nhưng lại khiến không ít người đứng trên bục giảng phấn khởi, bởi phần nào có tác động đến ý thức học tập của HS. Thế nhưng, chỉ sau ba năm, hầu hết các địa phương gần như quay trở lại với mốc ban đầu khi tỷ lệ tốt nghiệp ở cả hệ THPT và bổ túc THPT đều đạt ở mức tối đa. Bảng kết quả tốt nghiệp đẹp "như mơ" của kỳ thi năm 2011 ngay khi được công bố đã gây không ít nghi ngại và lo lắng với cả xã hội, thậm chí cả với những người trong ngành giáo dục. Ai cũng hiểu, để có sự chuyển biến về "chất" một cách thực sự, kết quả tốt nghiệp khó có thể "tăng ga" mạnh mẽ đến vậy. Vì vậy thực tế diễn ra khiến không ít người băn khoăn về vai trò của "tổng tư lệnh" ngành với những phong trào, phương án triển khai "đầu voi đuôi chuột".
Những điều chỉnh của Bộ GD-ĐT được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn cho địa phương, nhất là những nơi có nhiều HS. Cụ thể như việc tổ chức chấm chéo. Nếu như một số địa phương khác chỉ phải giao bài cho 2 địa phương chấm thì Hà Nội cần tới 4 địa phương để chấm bài cho HS của mình. Việc vận chuyển bài thi vì thế không tránh khỏi vất vả và căng thẳng để bảo đảm tuyệt đối an toàn và bảo mật. Khi không phải chấm chéo, địa phương sẽ hoàn toàn chủ động kế hoạch chấm thi, phúc khảo để công bố kết quả tốt nghiệp sớm cho HS. Việc không bắt buộc thi theo cụm trường cũng sẽ khiến ban giám hiệu, phụ huynh ở những địa bàn khó khăn bớt đau đầu khi phải lo chuyện đi lại, ăn, ở và bảo đảm an toàn cho học trò.
"Thắp lửa" cho thầy và trò
Việc khôi phục lại chế độ tuyển thẳng đối với HS đoạt giải quốc gia, quốc tế được coi là một trong những dấu ấn mạnh mẽ, có tác động tích cực đến chất lượng của các kỳ thi chọn HS giỏi tại các nhà trường. Sau không ít cuộc "mổ xẻ", nguyên nhân của việc tụt hạng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế của Việt Nam đã chính thức được nhận diện. GS TSKH Hà Huy Khoái (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ ra rằng, những thay đổi trong chính sách đối với HS đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia đã làm giảm nhiệt tình của số đông HS trong việc tham gia các kỳ thi HS giỏi, chất lượng đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế vì thế có chiều hướng giảm sút.
Thực tế cho thấy, trước đây, khi HS đoạt giải quốc gia được ưu tiên vào thẳng ĐH, rất nhiều em đã hăng hái học tập, ôn luyện để được chọn vào đội tuyển và nỗ lực hết sức để đoạt giải. Khi Bộ GD-ĐT bỏ chính sách này, ít HS nào vừa muốn dồn sức vào một môn học nào đó để thi HS giỏi đến vài tháng liền, sau đó lại hối hả quay sang ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp, rồi thi ĐH. Một giáo viên lớn tuổi tại Hà Nội đã chia sẻ rằng, có không ít HS thừa khả năng vào đội tuyển song vẫn cố tình làm bài sai hoặc chỉ làm cho có để được loại khỏi đội tuyển. Nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình tham gia các kỳ thi tốn nhiều công sức và trí tuệ như thế mà muốn con dành thời gian tập trung cho kỳ thi ĐH có phần dễ dàng hơn. Không hiếm giáo viên giảm đi nhiệt huyết khi dìu dắt đội tuyển. Và có lẽ, sự tụt hạng đáng lo lắng của đội tuyển quốc gia tại Olympic quốc tế năm 2011, nhất là ở môn toán (khi đang nằm trong top 10 rơi xuống hàng thứ 31 trong tổng số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ) là minh chứng cho sự cần thiết của chính sách này trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh việc khôi phục lại chế độ tuyển thẳng, từ năm 2012, kỳ thi HS giỏi quốc gia cũng có một số điều chỉnh theo hướng tiệm cận với các kỳ thi quốc tế nhằm tạo sự cọ xát cho HS. Cụ thể là có thêm phần thi thực hành đối với các môn có thi thực hành tại các kỳ Olympic quốc tế như vật lý, hóa học, sinh học. Với môn ngoại ngữ cũng tương tự. Thực tế tại các kỳ Olympic quốc tế cho thấy, HS Việt Nam được đánh giá vững vàng về kiến thức, song còn yếu về khâu thực hành và kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ. Những điều chỉnh trên được kỳ vọng sẽ sớm khắc phục những điểm yếu của HS Việt Nam.
Việc trao quyền tự chủ một cách thực sự cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; những chính sách tạo ra động lực mới về ý thức học tập và cống hiến của thầy và trò ở các nhà trường đang được dư luận xã hội quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Liệu nó có đạt được mục tiêu chất lượng thực như mong muốn? Điều này có lẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm và sự nghiêm túc của cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.